Quân đội là “trường học lớn” của tuổi trẻ. Từ
“ngôi trường” ấy đã có biết bao tấm gương sáng về tinh thần tự hào, tự tôn dân
tộc, biết khắc phục khó khăn, thử thách để vươn lên, đem về vinh quang cho Tổ
quốc, tiêu biểu trong thời gian gần đây nhất như: Nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh
Viên, vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh, vận động viên điền kinh Nguyễn
Văn Lai, cùng với đó là nhiều gương mặt trẻ lăn xả vào huấn luyện, sẵn sàng chiến
đấu, nghiên cứu khoa học, giáo dục, phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm
nghèo... Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan,
đơn vị trong toàn quân cũng thường xuyên quan tâm, khuyến khích, động viên những
cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bằng những chế
độ, chính sách cụ thể, thiết thực, như: Thăng quân hàm trước niên hạn; đề bạt,
bổ nhiệm chức vụ công tác; luân chuyển thực tế; đào tạo, bồi dưỡng... và Đề án
“Thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội” đang triển khai xây dựng là một
minh chứng điển hình. Vậy nên, sống trong quân ngũ không thể có chuyện “không
được là chính mình”.
Đến đây, tôi chợt nhớ tới câu chuyện “muốn
được làm chính mình” của nhân vật Hiếu trong bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến”.
Bởi thích tự do làm những điều mình muốn, Hiếu đã tìm mọi cách để không tham
gia quân ngũ. Để rồi, chưa kịp thành công, chàng trai trẻ ấy đã để lại cho gia
đình “một đống nợ”. Nghe bà nội của Hiếu tâm sự cùng con gái, chắc hẳn rất nhiều
khán giả đã không cầm được lòng mình: “Đời tao, nhìn theo bố mày đi công tác, rồi
lại đến lượt nhìn anh mày đi công tác... thứ tao quen nhất chỉ là cái bóng sau
lưng thôi”. Song, dẫu đã chịu muôn vàn nỗi đau, sự thiệt thòi, nhưng bà vẫn mạnh
mẽ, can trường, chủ động động viên, thậm chí yêu cầu Hiếu - người cháu trai duy
nhất ở bên cạnh bản thân lúc xế chiều phải cố gắng nối nghiệp ông cha. Trong
đôi mắt ngấn lệ, bà khẳng khái: “Đấy, cho cháu muốn làm gì thì làm, giờ thì
cháu làm ra một đống nợ! Còn nhập ngũ, cháu đã vào ngày nào đâu mà biết không hợp?
Cháu phải vào để quân đội dạy cho cháu cách làm một con người... chứ bà không sống
mãi mà lo cho cháu được đâu”. Để rồi, sau quãng thời gian tân binh ngắn ngủi,
chàng trai khờ dại, non nớt ngày nào đã rắn rỏi, trưởng thành. Không những vậy,
Hiếu còn giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng, sự thiêng liêng, cao cả khi được
cống hiến cho Tổ quốc. Bởi thế, anh đã tiếp tục viết đơn xin được đi học để phục
vụ lâu dài trong quân đội.
Trong tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi
thế đấy” của nhà văn Xô viết Nikolai Alekseevich Ostrovsky có đoạn: “Thép đã
tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”. Chủ tịch
Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta cũng đã dạy: “Gạo đem vào giã bao
đau đớn/ Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian
nan rèn luyện mới thành công”. Do đó, có thể thấy được giá trị và ý nghĩa của
tinh thần kiên trì, bền bỉ trong rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ đối với sự trưởng
thành, phát triển cũng như chặng đường thành công của mỗi con người.
Từ văn học, nghệ thuật, điện ảnh... cho đến
cuộc sống, giá trị cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” lại càng được khẳng định rõ nét.
Điển hình như câu chuyện về gia đình ông Huỳnh Văn Đó, ở xã Tân Hải, huyện Phú
Tân, tỉnh Cà Mau, là du kích Nam Bộ, có con trai Huỳnh Văn Kết là cựu Quân tình
nguyện Việt Nam tại Campuchia, thương binh hạng 1/4. Ông Kết có hai con trai
công tác trong lực lượng vũ trang: Anh trai Huỳnh My là Trung úy công an, còn
em Huỳnh Văn Hợp đang học năm thứ hai Trường Sĩ quan Chính trị. Đáng chú ý, dẫu
đã một lần dang dở mơ ước vì lý do sức khỏe nhưng Huỳnh Văn Hợp vẫn không từ bỏ
khao khát được trở thành người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; quyết tâm lặn
lội từ Nam ra Bắc lần 2 để đi theo con đường mình đã chọn. Nếu không phải là
người kiên định, nếu không có lòng quả cảm, liệu chàng trai ấy có đủ can đảm để
đi theo con đường mà ông, cha, anh đã lựa chọn, nhất là khi bản thân đã chứng
kiến những cơn đau mà mỗi khi trái gió trở trời bố vẫn phải nghiến răng chịu đựng
sau những cống hiến thời trai trẻ?
Từ một vài ví dụ điển hình, chúng ta càng
cảm thấy khâm phục những tấm gương dám hy sinh vì non sông gấm vóc bao nhiêu, lại
càng bất bình với một số người, dẫu chưa đóng góp được gì cho Tổ quốc nhưng đã
vội đề cao giá trị của bản thân họ bấy nhiêu!
Dù ở thời chiến hay thời bình, “Bộ đội Cụ
Hồ” luôn sẵn sàng nhận về mình những công việc khó khăn nhất. Còn nhớ, trong cuộc
chiến với đại dịch Covid-19, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị,
Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: “Chúng tôi
sẽ cố gắng làm và làm hết mình... Cái gì khó quá thì cứ giao cho quân đội”. Qua
đó khẳng định ý chí quyết tâm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân đội trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đúng với lời thề:
“Thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào
sống ra chết cũng không nản chí”.
Mỗi người là chính mình hay không là chính mình không phải do môi trường quyết định, mà phụ thuộc vào bản lĩnh và ý chí của chính họ. Nếu đã chọn lực lượng vũ trang làm điểm khởi đầu của sự nghiệp thì các bạn hãy luôn tự hào và quyết tâm đi hết con đường ấy một cách vinh quang nhất. Dẫu biết rằng bảo vệ Tổ quốc vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của tất cả mọi người, nhưng quân đội, công an tuyệt nhiên không ép buộc bất cứ ai phải phục vụ lâu dài trong môi trường ấy. Vậy nên, trước khi quyết định bất cứ một việc gì, các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ, đừng để “đứt gánh giữa đường”. Còn tư tưởng “rời bỏ hàng ngũ quân đội, công an để được làm chính mình” nếu không phải là hành động "câu view" của những TikToker chuyên “kiếm tiền bẩn” thì cũng chỉ là viện cớ của một sự thất bại - thất bại ngay từ trong suy nghĩ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét