Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC DÂN TỘC ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc trong giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Theo đó, các dân tộc nước ta dù đa số hay thiểu số, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trên tất cả các lĩnh vực. Bình đẳng dân tộc phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và trong các bộ luật ở nước ta qua các thời kỳ.

Bình đẳng về quyền làm chủ đất nước, quyền tham gia vào đời sống chính trị của quốc gia, có quyền lợi và nghĩa vụ xây dựng hệ thống chính trị, chống phân biệt đối xử vì lý do dân tộc.

Bình đẳng về quyền và cơ hội phát triển kinh tế đồng đều giữa các dân tộc và các vùng. Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc.

Bình đẳng về quyền và cơ hội phát triển văn hóa các dân tộc hài hòa trong một nền văn hóa quốc gia đa dân tộc; các dân tộc có quyền sử dụng tiếng nói và chữ viết của mình, hưởng thụ văn hóa và dân trí ngày càng được nâng cao; đấu tranh chống phân biệt, kỳ thị văn hóa các dân tộc thiểu số, chống các tệ nạn xã hội, chống “diễn biến hòa bình” trên nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, bình đẳng dân tộc thể hiện trong phát triển, “cùng phát triển” giữa các dân tộc. Mỗi dân tộc được bảo đảm và tạo điều kiện để có cơ hội phát triển, cùng làm chủ đất nước. Thực hiện bình đẳng gắn liền với bảo đảm công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt quan tâm vùng gặp nhiều khó khăn nhằm giảm bớt khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị, miền núi và đồng bằng.   

Bình đẳng dân tộc là cơ sở để thực hiện đoàn kết dân tộc, có đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển thì mới thực hiện được bình đẳng dân tộc và tôn trọng giúp nhau cùng phát triển là điều kiện để thực hiện bình đẳng và đoàn kết. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét