Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội,
nhất là TikTok, xuất hiện một số TikToker (người dùng TikTok) làm các video
clip kiểu như: “Có lẽ tôi sẽ từ bỏ quân đội để được làm chính mình”; “Có nên rời
khỏi ngành công an để bắt đầu làm lại?”...
Không biết quan điểm của bạn về mấy
TikToker nói trên như thế nào, còn đối với chúng ta - những người đang công tác
trong quân đội, tôi cho rằng đó là suy nghĩ tầm thường của một bộ phận thanh
niên không có bản lĩnh, lập trường, phai nhạt về lý tưởng, đạo đức cách mạng...
nên sinh ra tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”.
Tầm thường từ tư tưởng “đứng núi này trông
núi nọ”.
Trên thực tế, đã có người rời bỏ hàng ngũ quân
đội, công an để được “làm chính mình” (theo tự nhận của một số TikToker). Nhưng
mơ ước của những “anh hùng bàn phím” đã nhanh chóng vụn vỡ, khiến họ thất bại
thảm hại, để rồi cay đắng thừa nhận rằng, bệnh “đứng núi này trông núi nọ” chẳng
thể nào vươn tới đỉnh cao.
Tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” xuất
hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính, công việc... nhưng thường tập trung vào nhóm
người phải làm việc trong môi trường vất vả, nhiều áp lực, thu nhập thấp. Tuy
nhiên, điều kiện công tác, vị trí việc làm chỉ là nhân tố khách quan, còn
nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nêu trên là do sự bồng bột, thiếu kiên định,
ngại rèn luyện; chưa suy nghĩ thấu đáo đã quyết định nóng vội khiến cho bản
thân phải trả giá đắt.
Thực tiễn đã chứng minh, con người ta phải
“có làm thì mới có ăn”. Vậy mà, một số bạn trẻ vẫn đắm mình trong lối sống ảo,
thích hưởng thụ nhưng lười lao động; muốn làm giàu nhanh nhưng tư duy kinh tế
trống rỗng. Chính vì vậy mà họ không ngại vay mượn bằng mọi giá để liều mình
“lao như thiêu thân”, đầu tư vào các tài khoản mã hóa, ứng dụng kiếm tiền ảo,
các sàn giao dịch chứng khoán trên mạng chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp
phép... Mặc dù lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cơ quan chức năng đã thường xuyên
tuyên truyền, cảnh báo, nhưng họ vẫn dửng dưng để ngoài tai, đem niềm tin đặt
vào những lời chèo kéo của đám “cò mồi”, hệ quả là bị “sập bẫy” và không có đường
lui. Cực chẳng đã, bố mẹ vốn đã nhọc nhằn, vất vả lo toan cuộc sống mưu sinh,
nay lại còng lưng gánh nợ, thậm chí bán đất, bán nhà để trả nợ cho con. Không
những thế, vì coi thường pháp luật mà không ít người đã vướng vào vòng lao lý,
tù tội.
Quân đội là môi trường đặc thù với muôn
vàn gian lao nhưng rất đỗi vinh quang. Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng
thành, dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ
Chí Minh, Quân đội ta luôn giữ vững bản chất, truyền thống, luôn được dân trọng,
dân mến, dân tin. Tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng, sẵn sàng nhận
và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó; giữ vững và phát huy phẩm chất cao
quý Bộ đội Cụ Hồ. Tuy nhiên, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường và ảnh
hưởng tiêu cực của mạng xã hội; cùng với đó là tư tưởng ngại khó, ngại khổ nên
trong một bộ phận nhỏ sĩ quan trẻ đã có biểu hiện “đứng núi này trông núi nọ” với
suy nghĩ “rời bỏ hàng ngũ quân đội để làm lại từ đầu”. Đó là điều vô cùng đáng
trách, đi ngược lại với lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng; ảnh hưởng
xấu đến tư tưởng, tình cảm của đồng chí, đồng đội; tạo cớ để các thế lực thù địch,
phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc, chống phá.
Trong cuộc sống, ai cũng có mơ ước, khát vọng riêng của đời mình. Song, điều đó không đồng nghĩa quay lưng lại với sự nghiệp mà chính bản thân đã lựa chọn để đi theo tiền tài, danh vọng hư vô. Hơn nữa, được phục vụ lâu dài trong quân đội hay công an từ lâu đã trở thành khao khát của biết bao lớp thanh niên, thậm chí có những bạn trẻ phải lận đận thi hết lần này, lần khác vẫn chưa thành công thì một số ít sĩ quan trẻ - những người đã được đào tạo bài bản lại hoài nghi, dao động, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, cổ xúy cho những hành động sai trái. Nói cách khác, “đứng núi này trông núi nọ” là sự thất bại ngay từ trong tư tưởng của chính những người vẫn tự cho là mình khôn ngoan, sáng suốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét