Xuất phát từ bản chất cách mạng, khoa học và giá trị của chủ
nghĩa Mác - Lênin đã được kiểm nghiệm, khẳng định bởi thực tiễn trong hơn 92
năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đến với
chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa cộng sản, ánh sáng chân lý của mọi thời đại,
Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy ở hệ lý luận mácxít con đường giải phóng dân tộc,
giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công –
Đây là mong muốn của Nhân dân Việt Nam từ ngàn đời nay: đấu tranh giải phóng
dân tộc và nguyện vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh
phúc của.
Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đảng Cộng
sản Việt Nam. Ngay từ ngày thành lập đã được Hồ Chí Minh khẳng định là một Đảng
kiểu mới - Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc
Việt Nam, mang bản chất của giai cấp công nhân. Đảng luôn luôn lấy chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành
động. Nhận thức sâu sắc về nguy cơ phân liệt, tan rã về chính trị, tư tưởng và
tổ chức, từ rất sớm, Đảng ta đã thấy rõ tính tất yếu và luôn chủ động đề ra chủ
trương phải bảo vệ đảng. Vì vậy, trong Văn kiện chính thức: Phong trào công
nhân (Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương), tháng 10/1930, Đảng ta
chỉ rõ: “Giải thích cho công nhân mục đích và đường lối của Đảng Cộng sản trong
các vấn đề liên quan đến cuộc sống của công nhân và thái độ đối với các sự kiện
lớn diễn ra trong nước. Giải thích cho họ rằng, Đảng Cộng sản là Đảng của họ,
vì vậy họ cần phải bảo vệ Đảng”(12). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm
1945, sự ra đời của nhà nước Việt Nam – Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở
Châu Á, là minh chứng sinh động về tính đúng đắn của Đảng và Bác Hồ khi vận
dụng sáng tạo, khoa học Chủ nghĩa Mác – Lênin trong giải phóng dân tộc ở Việt
Nam.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu
đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã để lại nhiều bài học quý giá cho chúng ta,
đặc biệt là trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Các nước XHCN mà đứng đầu là Liên Xô đã
đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ghi dấu ấn trong lịch sử văn minh nhân
loại. Nhưng thật trớ trêu, một số Đảng Cộng sản cầm quyền, trước hết và chủ yếu
là Đảng Cộng sản Liên Xô, lại để mất quyền lãnh đạo, làm cho hệ thống XHCN hùng
mạnh được họ dẫn dắt sụp đổ, tan rã. Một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô
và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã là đã mắc mưu của chủ nghĩa đế
quốc, của các nhà tư tưởng chống cộng, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin,
thay đổi các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin bằng những luận điểm
của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Một loạt vấn đề cơ bản của học thuyết Mác - Lênin
đã bị "tư duy chính trị mới" làm cho sai lạc. Đặc biệt là người ta
xem nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh những giá trị chung toàn nhân
loại; xem nhẹ chuyên chính vô sản, nhấn mạnh hòa hoãn, nhân quyền, cho rằng chủ
nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, xét lại sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân; nhấn mạnh vấn đề dân tộc, xem nhẹ chủ nghĩa quốc tế; nhấn mạnh vấn đề dân
chủ công khai, xem nhẹ vấn đề kỷ luật tập trung thống nhất trong Đảng... Từ chỗ
xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, người ta phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối,
xa rời con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, ngả dần sang thân phương Tây, đi
theo con đường của chủ nghĩa xã hội dân chủ, ảo tưởng trông chờ vào sự cưu mang
giúp đỡ của chủ nghĩa tư bản nước ngoài.
Xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hòa
bình” của các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách tấn công vào nền tảng tư tưởng
của Đảng ta, thủ đoạn thâm độc của chúng là làm suy giảm niềm tin của Nhân dân
đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và tính ưu
việt của chế độ, lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Điều đó cho
thấy việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai
trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với bảo vệ Đảng,
Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Xuất phát từ thực trạng hiện nay, sự phát triển, bùng nổ về công nghệ thông tin đã tác động đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều đó đã và đang làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nếu chúng ta không tiếp tục đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì không những thành quả cách mạng đã giành được sẽ bị các thế lực thù địch, phản động cướp mất, mà còn dẫn đến tình cảnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ “tự hủy hoại mình”, không thể thực hiện được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét