Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Ông cha ta đã sớm nhận
thức vấn đề dân tộc và từng bước xây dựng chính sách dân tộc. Khi Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ra đời thế kỷ XI, chính sách dân tộc thực
sự đầy đủ, toàn diện, nổi lên những nội dung cơ bản sau:
Thực hiện chính sách ràng buộc, thu phục các tù trưởng
dân tộc thiểu số, phủ dụ dân chúng. Đây là chính sách được thực hiện một cách
nhất quán của tất cả các vương triều mặc dù các biện pháp thực hiện có khác
nhau. Để thực hiện điều này, ông cha ta đã sử dụng nhiều biện pháp như: Phong thưởng, ban tước,
trao một phần quyền lực, đặt các tù trưởng trong hệ thống hành chính (chức dịch,
quan lại) của Nhà nước; đào tạo, sử dụng đội
ngũ viên chức quan lại đặc biệt là thuộc người dân tộc thiểu số; ràng buộc về hôn nhân, nhiều tù trưởng trở thành phò mã,
gắn bó và chịu sự thần phục của triều đình; chính
sách an dân, vỗ về thu phục; cử những quan lại danh
tiếng, am hiểu phong tục tập quán lên trấn trị khu vực biên giới.
Sử dụng các biện pháp cứng rắn chống xu hướng ly khai cát
cứ, để thống nhất quốc gia. Các triều đại phong kiến, khi đã ổn định quyền lực cai trị, sẵn sàng sử dụng các biện
pháp cứng rắn để đập tan, trấn áp các mầm mống ly khai, thu phục các tù trưởng dân tộc thiểu số. Sau trấn áp tiến hành các biện pháp lôi kéo, ràng buộc, khoan
dung, vỗ yên dân chúng, đưa họ hoà nhập vào cộng đồng quốc gia.
Kết hợp chính sách “mềm dẻo phương xa” với thể chế hoá vấn
đề dân tộc. Chính sách “mềm dẻo phương xa” được sử dụng một cách triệt
để, khi mà chính quyền trung ương chưa đủ sức với tay cai trị một cách trực tiếp
các vùng dân tộc thiểu số để từng bước xác lập vị
trí, quyền lực của mình ở khu vực biên giới, vùng dân tộc, cải tổ bộ máy hành chính, pháp luật hoá chính sách đối với
các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, chính sách dân tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam còn những hạn chế nhất định, như: Thiếu hoạch định biện pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc; hầu như chỉ quan tâm việc định mức thuế khóa, quy định về sản vật phải cống nạp định kỳ cho triều đình, nghĩa vụ bảo vệ biên cương; chủ yếu khai thác tài nguyên, bóc lột nhân dân các dân tộc, ít chú ý trong cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; duy trì tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách, thậm chí còn phân biệt, đối xử giữa dân tộc đa số và thiểu số, giữa triều đình và địa phương miền núi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét