Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUAN ĐIỂM VỀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DÂN TỘC TRONG NGHỊ QUYẾT SỐ 22-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA VI NGÀY 27/11/1989 VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI?

Nghị quyết đã thể hiện tư tưởng khởi đầu, đột phá cho những thay đổi có tính bước ngoặt trong phát triển kinh tế, xã hội miền núi và vùng dân tộc, cũng như toàn bộ vấn đề dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

Một là, phát triển kinh tế - xã hội miền núi là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển nên kinh tế quốc dân. Một mặt, các địa phương miền núi có trách nhiệm góp phần thực hiện những chủ trương chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước. Mặt khác, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách chung ở miền núi phải tính đầy đủ đến những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán của miền núi nói chung và của riêng từng vùng, từng dân tộc, trong việc này cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò năng động, sáng tạo của địa phương và cơ sở.

Hai là, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước, trước hết là sự nghiệp của nhân dân các dân tộc miền núi và đồng bào miền xuôi lên định cư ở miền núi. Khai thác và xây dựng miền núi là vì lợi ích trực tiếp của nhân dân miền núi, đồng thời vì lợi ích chung của cả nước.

Ba là, nắm vững chủ trương phát triển có kế hoạch nên kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội; điều chỉnh lại quan hệ sản xuất ở miền núi cho phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thật sự tôn trọng quyền tự quyết định của nhân dân trong việc lựa chọn các hình thức kinh tế và cơ chế quản lý thích hợp, lấy hiệu quả làm tiêu chuẩn hàng đầu, nhất thiết không hình thức, máy móc, rập khuôn, áp đặt.

Bốn là, phải phát triển miền núi toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng. Quan tâm đúng mức đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Về quốc phòng, an ninh, giữ gìn biên cương của Tổ quốc, bảo vệ miền núi là việc chung của cả nước, trước hết là việc thiết thân của nhân dân miền núi. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân đội, an ninh bảo vệ miền núi (kể cả bộ đội biên phòng) chủ yếu phải tuyển chọn từ thanh niên miền núi để đào tạo.

Để bảo đảm phát triển miền núi toàn diện và vững chắc, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, làm cho đảng bộ các địa phương miền núi thật sự thể hiện được trí tuệ của nhân dân các dân tộc miền núi, đại diện cho lợi ích và nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc, gắn bó với nhân dân, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền núi và góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét