Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

CON ĐƯỜNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ ĐÍCH ĐẾN HIỆN THỰC

Hoàn toàn có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn rằng: con đường đi đến CNXH ở Việt Nam không hề viễn vông, bất định như CNTB và các thế lực thù địch xuyên tạc. Ngược lại nó được minh chứng thuyết phục, sinh động cả về lý luận và thực tiễn.

 Trước hết, Chủ nghĩa xã hội là sự vận động tất yếu của lịch sử. Bằng hai phát kiến vĩ đại là học thuyết giá trị thặng dư và chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác đã luận giải thuyết phục sự vận động, phát triển của xã hội loài người. Dựa trên các quy luật vận động nội tại của xã hội, nhất là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất và quy luật mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, C.Mác đã đi đến khẳng định: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”. Ở đây C.Mác và Ph.Ănghen đã phát triển CNXH từ không tưởng thành khoa học khi luận chứng nó từ quy luật vận động của lịch sử như sự vận động tất yếu của các quy luật kinh tế, quy luật xã hội đã hình thành ngay trong lòng CNTB. Vì vậy, V.I.Lênin đã nhấn mạnh: “C.Mác hoàn toàn chỉ dựa vào những quy luật kinh tế của sự vận động xã hội hiện đại mà kết luận rằng xã hội TBCN nhất định sẽ phải chuyển biến thành xã hội XHCN” và “Chỉ có học thuyết kinh tế của C.Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp công nhân trong toàn bộ chế độ TBCN”. Như vậy, biện chứng khách quan của lịch sử chính là sự vận động phát triển không ngừng của các hình thái kinh tế - xã hội. Theo đó, hình thái kinh tế - xã hội CSCN tất yếu sẽ thay thế hình thái kinh tế - xã hội TBCN. Con đường đi lên của nhân loại không gì khác là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn thấp là CNXH - Đó là tất yếu của lịch sử chứ không phải là ảo vọng hay sự tự biện của những người cộng sản.

 Thứ hai, mục tiêu của CNXH là không xa vời mà rất cụ thể. Đó là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ sự phân chia giai cấp, xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do, hạnh phúc. Ở CNXH có sự khác biệt rất căn bản so với tất cả các phương thức sản xuất trước đó chính là nằm ở mục tiêu hay con đường đi tới. Nếu như trong xã hội trước đây chỉ là sự thay thế phương thức sản xuất này bằng phương thức sản xuất khác thông qua một cuộc cách mạng xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là thay thế giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác, quần chúng cần lao vẫn là giai cấp bị trị, vẫn chịu sự bóc lột bằng cách này hoặc cách khác. Cách mạng XHCN đi trái lại với quy luật thay thế giai cấp thống trị quần chúng cần lao. CNXH là một xã hội được xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xóa bỏ triệt để chế độ người bóc lột người.

 Mục tiêu này cũng đã được các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể:

 Ngay trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác đã khẳng định cả về lý luận và thực tiễn sự vận động phát triển của cách mạng vô sản thế giới. Trên cơ sở khẳng định những mâu thuẫn nội tại không thể điều hòa trong xã hội tư bản, C.Mác đã chứng minh CNTB nhất định sẽ bị thay thế bằng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với bộ tham mưu chiến đấu là Đảng cộng sản nhằm đấu tranh lật đổ chế độ áp bức, bóc lột của CNTB, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng. Luận điểm này được C.Mác khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.

 Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ănghen về CNXH và con đường đi lên CNXH, dựa trên thực tiễn xây dựng CNXH sau cách mạng tháng Mười Nga, V.I.Lênin khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến CNXH, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới CNXH không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi một dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo XHCN đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”. Rõ ràng với luận điểm này, V.I.Lênin đã chỉ ra xu thế tất yếu của thời đại là quá độ đi lên CNXH trên toàn thế giới với mục tiêu rất cụ thể là xây dựng thành công CNXH. Tuy nhiên ở mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau thì lựa chọn con đường, cách thức, biện pháp khác nhau. Mỗi quốc gia phải dựa vào đặc điểm tình hình cụ thể của mình để định hình con đường đi lên CNXH phù hợp. Tùy theo tư duy, nhận thức, cách thức tổ chức thực hiện ở từng Đảng cộng sản, từng quốc gia khác nhau sẽ có độ dài ngắn trên con đường đi đến đích khác nhau. V.I.Lênin không chỉ chỉ ra con đường đi lên CNXH mà còn hiện thực hóa nó bằng các chính sách cụ thể để xây dựng CNXH. Chính V.I.Lênin là người tổ chức, lãnh đạo cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, khai sinh ra và tổ chức xây dựng nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đến Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh nhưng đều không thể tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Cho đến khi Người bắt gặp Luận cương của V.I.Lênin về Dân tộc và thuộc địa, Người đã nhất quyết đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản. Vì chỉ cách mạng vô sản mới đảm bảo cho dân tộc Việt Nam được độc lập, người dân Việt Nam được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người khẳng định “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Vì ở chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy con đường giải phóng dân tộc và mục tiêu, lí tưởng cách mạng XHCN phù hợp với ý chí, nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ý thức rất rõ việc giải phóng dân tộc đã rất khó khăn, xây dựng CNXH còn khó khăn hơn rất nhiều, nó đòi hỏi sự đoàn kết, đồng thuận của toàn thể nhân dân. Người chỉ ra: “Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”.

 Thứ ba, Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội đã được hiện thực hóa trên thực tế - khác biệt về chất so với các chế độ xã hội trước đó. Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi đã mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH và cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với việc xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp - xã hội XHCN. Trước năm 1917 chưa có cuộc cách mạng nào trong lịch sử có thể biến khát vọng tự do, bình đẳng của quần chúng cần lao thành hiện thực. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga là kết quả hiện thực hóa lý tưởng cộng sản chủ nghĩa trên thực tế, biến khát vọng sống hòa bình, độc lập, tự do, bình đẳng thành hiện thực. Từ đây học thuyết của chủ nghĩa Mác về CNXH khoa học đã trở thành CNXH hiện thực với đầy đủ hình hài của một xã hội tương lai. Cách mạng tháng Mười Nga đã giải phóng giai cấp vô sản Nga thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản; giải phóng giai cấp nông dân khỏi gông cùm của địa chủ phong kiến; giải phóng các dân tộc trong đế quốc Nga ra khỏi xiềng xích của chế độ Nga hoàng. Đồng thời mở đường cho nhân dân Liên Xô xây dựng chế độ mới - chế độ XHCN; Biến đế quốc Nga nghèo nàn về kinh tế, lạc hậu về chính trị, yếu kém về quốc phòng thành một cường quốc XHCN, xứng đáng là thành trì của hòa bình và cách mạng vô sản toàn thế giới - đó là những hiện thực không thể bác bỏ, phủ nhận.

 Thứ tư, Chủ nghĩa xã hội đang được xây dựng toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Việt Nam. Đây là minh chứng sinh động, cụ thể về một mô hình CNXH được xác định qua 8 đặc trưng cơ bản về mục tiêu; về trình độ lực lượng sản xuất; quan hệ sản xuất; nền văn hóa; về con người, về nhà nước pháp quyền XHCN… 8 đặc trưng này là sự khái quát hóa mô hình của CNXH, nó không chỉ dừng lại trong chiến lược, trong nghị quyết mà được hiện thực hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Biểu hiện cụ thể nhất là thực hiện dân chủ XHCN “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đó là những minh chứng rõ ràng, thuyết phục nhất về sự hiện thực hóa nội hàm của con đường đi lên CNXH. Bởi xét cho cùng giá trị của cách mạng XHCN đều kết tinh ở chỗ người dân làm chủ cái gì, thụ hưởng được cái gì. Và cũng chính điều này khẳng định sự khác biệt về bản chất của chế độ XHCN so với chế độ TBCN. Rõ ràng là chúng ta không chỉ xác định con đường mà chúng ta còn nỗ lực cao độ để đi trên con đường CNXH; chúng ta không phải xác định mục tiêu xa vời mà được cụ thể hóa sinh động trong việc thụ hưởng các giá trị CNXH của mỗi người dân Việt Nam. Đó cũng là những lí lẽ sắc sảo nhất về sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn của con đường cách mạng XHCN ở Việt Nam.

Kiên định niềm tin vào con đường chủ nghĩa xã hội đã chọn: Cả lý luận và thực tiễn cho thấy con đường CNXH là con đường đúng đắn, hiện thực, phù hợp với xu thế thời đại và khát vọng của dân tộc Việt Nam. Xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy gian nan thử thách, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể chủ quan nóng vội, cũng không bi quan dao động, lung lay niềm tin. Vì vậy, cần thống nhất tư tưởng, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH trên cơ sở đó kiên định niềm tin vào tương lai và sự thắng lợi của CNXH. Đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị cho quá trình xây dựng CNXH. Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, cống hiến, xây dựng và hiện thực hóa CNXH trên đất nước Việt Nam./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét