Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước

Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay có nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Song, sở hữu nhà nước và thành phần kinh tế nhà nước là đặc trưng, giữ vai trò chủ đạo và là một trong các yếu tố quan trọng đảm bảo cho nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó được khẳng định tại Khoản 1, Điều 51, Hiến pháp năm 2013, là hoàn toàn phù hợp với lý luận và thực tiễn nước ta.
Kinh tế nhà nước đã và đang giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước được cấu thành từ: (1) Bộ phận doanh nghiệp gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần hoặc phần vốn chi phối; (2) Bộ phận phi doanh nghiệp, ngoài các tài sản thuộc sở hữu nhà nước còn bao gồm cả đất đai, rừng, biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia... Với phạm vi rộng lớn như vậy, sở hữu nhà nước và kinh tế nhà nước giữ vị trí trọng yếu, vai trò chủ đạo trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nền tảng cơ bản để phát triển mọi ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp; đã và đang giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Trong đó, hệ thống doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt, đang được đổi mới, mặc dù tỷ trọng GDP có giảm sút từ 29,34% năm 2010, còn 29,01% năm 2013 và 28,69% năm 2015, nhưng vẫn giữ vai trò chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn Nhà nước cần nắm giữ, v.v. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước do sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa nên tuy số lượng giảm, lĩnh vực, địa bàn thu hẹp, nhưng vẫn có bước phát triển mạnh về quy mô tài sản, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Năm 2013, riêng 18 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn có vốn nhà nước là 840 nghìn tỷ đồng (chiếm 83% vốn nhà nước tại doanh nghiệp), tổng giá trị tài sản 1.985 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu 1.184 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 191 nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhà nước đã trở thành lực lượng nòng cốt để thực hiện vai trò quan trọng trong ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần to lớn trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia. Kinh tế nhà nước là lực lượng chủ yếu hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị mới, là lực lượng đầu tư vào những lĩnh vực, các công trình,… trọng điểm quốc gia đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và lợi nhuận thấp, v.v. Đồng thời, là đội quân chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút FDI, có vai trò tích cực trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế nước ta trong các năm 2008 - 2010. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động thực sự có hiệu quả, như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản...
Tuy nhiên, kinh tế nhà nước cũng có những hạn chế, yếu kém. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước còn thấp và rất thấp. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, thất thoát và thua lỗ còn lớn. Tình trạng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, độc quyền doanh nghiệp đang hiện hữu, làm méo mó quan hệ thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, hạn chế sự cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế.... Một số người chỉ dựa vào những yếu kém, hạn chế của kinh tế nhà nước mà cho rằng thành phần kinh tế này không thể giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế; rằng xác định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Việt Nam đã phải trả giá quá đắt”(!) Từ đó, họ đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này; đòi tư nhân hóa hết doanh nghiệp nhà nước, “khuyên” ta nên bỏ cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”,... đều là những cách nhìn phiến diện.
Mặc dù doanh nghiệp nhà nước (bộ phận nòng cốt của kinh tế nhà nước) thời gian qua có những hạn chế, yếu kém, nhưng đó là những yếu kém trong khâu tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh, là sai lầm và yếu kém của một số cá nhân lãnh đạo và nhà quản trị doanh nghiệp,… chứ không phải là sai lầm về quan điểm, chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Hơn nữa, nhìn chung toàn bộ nền kinh tế; trong đó, có kinh tế nhà nước dựa trên lực lượng sản xuất còn thấp kém, cùng với nền kinh tế thị trường còn rất mới và hội nhập quốc tế, thì những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nước ta nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng là khó tránh khỏi. Thực tế cũng cho thấy, ở Việt Nam, không phải mọi doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều hoạt động có hiệu quả. Chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều “đại gia” của kinh tế tư nhân “ngã ngựa”; thua lỗ, mất trắng doanh nghiệp, phải đi làm thuê hoặc rơi vào vòng lao lý, tù tội.... Vậy là, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không hẳn là do sở hữu quyết định. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng không ít doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, yếu kém,… do yếu tố cạnh tranh, khủng hoảng kinh tế… gây ra.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét