Thành phần kinh tế tư nhân ra
đời trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân, hay chế độ tư hữu (sở hữu cá thể, tiểu
chủ và sở hữu tư bản tư nhân) và bao gồm: thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ
và kinh tế tư bản tư nhân (nói gọn là tư nhân và cá thể). Từ khi thực hiện công
cuộc đổi mới kinh tế, thì kinh tế tư nhân được thừa nhận và khuyến khích phát
triển; coi đó là “vấn đề chiến lược lâu dài” trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta. Đến nay, kinh tế tư nhân đã phát triển và trở thành lực
lượng kinh tế lớn mạnh, đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế,
góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa.
Việc
thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích các chủ thể kinh tế tư nhân
làm giàu hợp pháp và góp phần làm giàu cho xã hội là cách thức quan trọng giải
phóng sức sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, kinh tế tư
nhân đã góp phần huy động các nguồn lực (vốn, nhân công, khoa học - công nghệ)
vào sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng
nhiều vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần đẩy nhanh
tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sự phát triển của kinh tế tư
nhân tạo sức ép thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác
và đổi mới quản lý nhà nước; tạo ra đội ngũ doanh nhân năng động, có khả năng
thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Qua
hơn 30 năm đổi mới, diện mạo của khu vực kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi rõ
rệt; số lượng doanh nghiệp tư nhân không ngừng phát triển với quy mô rộng lớn
hơn, tham gia ở tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến thương mại, dịch vụ (cả
dịch vụ công),... đóng góp ngày càng nhiều cho kinh tế và xã hội. Hiện cả nước
có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 90% số doanh nghiệp cả nước và
khoảng 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ. Trong giai đoạn 2006 - 2015, so
với kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu
vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP của cả nước; 30% giá trị tổng sản
lượng công nghiệp; khoảng 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ;
64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Giai
đoạn 2011 - 2015, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 36% tổng vốn đầu tư phát
triển; thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu
việc làm cho người lao động mỗi năm, góp phần tích cực vào việc giải quyết các
vấn đề xã hội. Ưu thế nổi bật của kinh tế tư nhân trong giải quyết việc làm là
có thể thu hút được lực lượng lao động đa dạng: từ lao động có trình độ cao đến
lao động giản đơn; mức đầu tư cho một chỗ làm việc thấp hơn so với các thành phần
kinh tế khác. Vì vậy, nó có sức vươn lên mạnh mẽ, đóng góp nhiều vào công cuộc
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Song,
không vì thế mà đề cao quá mức, dẫn đến tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, rằng
kinh tế tư nhân là ''nền tảng'' của nền kinh tế và gán cho nó ''vai trò chủ
đạo'' - vai trò mà bản thân nó không bao giờ đảm nhận nổi. Hiện nay, có tới 98%
doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân có quy mô vừa và nhỏ; trong đó, doanh nghiệp
có quy mô siêu nhỏ (sử dụng dưới 5 lao động và vốn kinh doanh dưới 10 tỷ đồng)
chiếm tỷ trọng đáng kể (96%). Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân lớn trong số doanh
nghiệp Việt Nam còn rất thấp, so với quy mô của các doanh nghiệp tư nhân nước
ngoài thì cũng chẳng đáng là bao.
Hằng
năm, VnReport công bố danh sách tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, tính cả
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân, số doanh nghiệp
tư nhân trong tốp 500 và tốp 100 có tăng, nhưng chưa nhiều. Ở Việt Nam, tập
đoàn kinh tế tư nhân đã hình thành và ngày càng mang dáng vóc của một tập đoàn
kinh tế, như: VinGroup, Hòa Phát, TH True Milk, Macsan, SunGroup,… nhưng còn
rất ít. Sự đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP đã lên đến trên 40%, nhưng chủ
yếu là của bộ phận cá thể, còn doanh nghiệp tư nhân đóng góp tỷ lệ rất nhỏ. Năm
2005, đóng góp vào GDP của doanh nghiệp tư nhân là 8,51%, bộ phận cá thể là
32,06%; con số tương ứng của năm 2010 là: 6,90% và 32,07%; năm 2015 là 7,80% và
31,33% và năm 2016 là 7,90% và 31,50%... Mức đóng góp vào GDP của kinh tế tư
nhân như vậy thì làm sao đảm đương nổi “vai trò chủ đạo”? Cùng với đó, năng lực
cạnh tranh của thành phần kinh tế này còn thấp, chất lượng sản phẩm hàng hóa,
dịch vụ chưa cao, nguồn lực tài chính và trình độ trang thiết bị kỹ thuật còn
nhỏ bé, thấp kém. Năng lực
quản trị còn nhiều hạn chế, đại bộ phận các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân
thực hiện kinh doanh theo “kiểu ngắn hạn”, chưa hoạch định được chiến lược kinh
doanh dài hạn... Ngoài ra, vẫn còn tồn tại “tính tự phát”, “vô chính phủ”
trong sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, tư nhân không muốn và không đủ sức đầu tư
vào những công trình lớn, xây dựng dài ngày, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi vốn
chậm và những công trình công ích lãi suất thấp hoặc phi lợi nhuận. Từ đó cho
thấy, nếu giao “vai trò chủ đạo” nền kinh tế cho kinh tế tư nhân thì chẳng khác
gì giao một nhiệm vụ “không tưởng” vượt khỏi khả năng đảm đương của nó. Như
vậy, không nên ảo tưởng rằng, kinh tế tư nhân có thể đóng ''vai trò chủ đạo”
nền kinh tế.
Đảng
ta đã xác định xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ
nghĩa, thì việc khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế là
định hướng chính trị đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với lý luận của chủ nghĩa
Mác – Lê-nin. Một số người đã tìm cách cổ súy, cố tình đòi tư nhân hóa nền kinh
tế, là thông qua kinh tế để chuyển hóa về chính trị Việt Nam. Bởi cơ sở hạ tầng
quyết định kiến trúc thượng tầng, khi tư nhân hóa nền kinh tế thì tất yếu đất
nước sẽ phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Đây
là mưu đồ rất nguy hiểm. Chúng ta hãy cảnh giác với những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”, những ý kiến phủ nhận đường lối phát triển kinh tế của
Đảng và Nhà nước ta, hạ thấp vai trò của kinh tế nhà nước, cổ vũ cho tư nhân
hóa nền kinh tế, tiến tới làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế
nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét