Kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản
trong đường lối phát triển kinh tế ở nước ta, một sáng tạo mới của Đảng ta về
mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam.
Tính
hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở nước ta thể hiện ở chỗ: Kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển
kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn 30 năm đổi
mới; có hệ thống pháp luật, các thiết chế, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị
trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt
chẽ với thị trường và các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà
nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc,
chuẩn mực phổ biến của thế giới đương đại.
Định
hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế từng bước được xác lập và tăng cường
thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy
đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay
trong từng bước và từng chính sách phát triển. Nhà nước đóng vai trò định hướng,
xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng,
minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của
Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
phát triển và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thị trường đóng vai trò chủ yếu
trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ
yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.
Xây
dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là
một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển
kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với
đổi mới, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cán bộ của toàn hệ thống chính trị; xác
định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà
nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng
xã hội chủ nghĩa; giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét