Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Các mối quan hệ dân tộc cơ bản ở Việt Nam hiện nay

Các mối quan hệ dân tộc cơ bản ở nước ta hiện nay bao gồm:
Mối quan hệ giữa các tộc người với quốc gia dân tộc Việt Nam là quan hệ giữa nhân dân các tộc người với quốc gia dân tộc Việt Nam, được hình thành, phát triển sớm trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đây là mối quan hệ lớn, bao trùm các mối quan hệ tộc người. Hiện mối quan hệ này được biểu hiện ở việc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân các tộc người làm chủ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thông qua đường lối, chính sách của mình mà Đảng, Nhà nước tác động đến toàn bộ đời sống các tộc người để phát triển các dân tộc. Các tộc người thực hiện các hoạt động xã hội tuân thủ sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước. Mức độ đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách tạo nên sự đồng thuận hay những bất đồng trong mối quan hệ này.
Mối quan hệ giữa tộc người đa số với tộc người thiểu số là một trong những mối quan hệ cơ bản, phổ biến và ngày càng phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Tộc người Kinh luôn đóng vai trò nòng cốt, tập hợp, đoàn kết các tộc người. Các tộc người thiểu số đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc. Để tăng tường mối đoàn kết giữa tộc người đa số với tộc người thiểu số, cần thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc; đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng tộc người thiểu số; khắc phục tư tưởng sôvanh, hẹp hòi, tự ti tộc người, phân biệt dân tộc.
Mối quan hệ giữa các tộc người thiểu số với nhau là một trong những mối quan hệ cơ bản, biểu hiện ở quan hệ láng giềng, cộng cư đan xen giữa các tộc người, giữa bản làng tộc người này với bản làng tộc người khác. Tính tộc người, lợi ích, bản sắc văn hóa của từng tộc người cần được tôn trọng, gìn giữ, phát huy. Các tộc người tăng cường giao lưu, tiếp thu văn hóa của nhau, làm giàu thêm văn hóa của mình trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết và hòa hợp, đoàn kết. Tuy vậy, giữa các tộc người thiểu số còn những va chạm nảy sinh, chủ yếu liên quan đến đất đai, lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.
Mối quan hệ nội bộ tộc người ở phạm vi trong quốc gia và xuyên quốc gia. Ở trong nước, quan hệ nội bộ tộc người thể hiện qua các mối quan hệ trong làng bản, dòng họ, gia đình, giữa các nhóm địa phương. Các yếu tố có giá trị cố kết, bảo lưu văn hóa tộc người, duy trì quan hệ nội bộ tộc người là địa vực cư trú, ngôn ngữ, văn hóa, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử, quan hệ dòng tộc. Đó là những yếu tố thiêng liêng của tộc người, liên quan đến tình cảm, lợi ích và niềm tin của mỗi tộc người.
Bên cạnh đó, quan hệ nội bộ tộc người còn biểu hiện ở mối quan hệ đồng tộc xuyên quốc gia. Hiện có khoảng 40 tộc người nước ta có người đồng tộc cư trú ở các quốc gia khác. Chẳng hạn, các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Hán - Tạng, Hmông - Dao có nhiều đồng tộc là cư dân ở Trung Quốc và Lào; cư dân nhóm Môn - Khơme với cư dân ở Lào, Campuchia; cư dân nhóm ngôn ngữ Nam Đảo ở Tây Nguyên với cư dân ở Malaixia, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia. Tính đến năm 2013, theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), nước ta có hơn 4,5 triệu người Việt Nam thuộc nhiều tộc người khác nhau đang sinh sống ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ đồng tộc với người ở trong nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét