Mùa Thu tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam -
“một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn
quốc”, trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mở ra kỷ
nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Khác xa so với thời kỳ còn hoạt động bí mật, bất hợp
pháp để lãnh đạo toàn dân tộc xóa bỏ ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến,
giành chính quyền về tay nhân dân, khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản
thực hiện sứ mệnh lãnh đạo xây dựng chế độ mới, con người mới, nền văn hóa mới
không có mục đích nào khác ngoài mang lại nền độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc
cho nhân dân. Trong sự nghiệp cách mạng to lớn, phức tạp, đầy khó khăn gian khổ
nhưng vẻ vang ấy, Đảng cầm quyền vừa là hạt nhân lãnh đạo các tổ chức của hệ thống
chính trị, vừa là thành viên trong hệ thống chính trị.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ
quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Trong bản Di chúc lịch sử,
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những điều tâm huyết về vai trò cầm quyền của Đảng:
“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần
đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng
ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật
trung thành của nhân dân”, đồng thời Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát
triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân
dân.
Thực tiễn vai trò cầm lái con thuyền cách mạng Việt
Nam đã khẳng định “Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước”.
Trong các tiêu chí để xác định một đảng chân chính cách mạng, việc đáp ứng và
thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của nhân dân là tiêu chí số một để đánh giá hiệu quả,
năng lực, tính chính danh của Đảng cầm quyền. “Đảng không phải là một tổ chức để
làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc
giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ
“Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân” và chính sách của Đảng và
Chính phủ là phải hết sức quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân. Chỉ khi thấu
hiểu và hành động vì con người, cho sự phát triển toàn diện của con người như vậy
trong thực tiễn hoạt động lãnh đạo, Đảng cầm quyền mới “biến một nước dốt nát,
cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”.
Muốn đạt được mục đích nhân bản đó, muốn giữ vững và
tăng cường bản chất giai cấp của Đảng, vấn đề đặt ra là phải bằng mọi cách giữ
cho được định hướng hoạt động của Nhà nước, bảo đảm cho bộ máy Đảng và Nhà nước
thật sự trong sạch. Nếu hoạt động lãnh đạo của Đảng thông qua Nhà nước kém hiệu
quả, bộ máy quan liêu, đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức, nhất là cán bộ chủ
chốt, bị thoái hóa, biến chất thì Đảng cầm quyền, Nhà nước mà nhân dân đã tin
tưởng giao phó quyền lực chính trị ắt sẽ không giành được sự ủng hộ, niềm tin
nơi dân chúng. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích,
nguyện vọng và khả năng của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, theo
đúng tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011): “Toàn bộ hoạt động của Đảng
phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”. Các tổ chức
chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng hoạt
động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của tổ chức, thu hút đông đảo các tầng
lớp nhân dân tham gia và qua đó đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân đồng
thời phát huy được vai trò, sức mạnh vô cùng tận của nhân dân. Xây dựng chủ
nghĩa xã hội là sự nghiệp cách mạng vĩ đại và theo Hồ Chí Minh là “một sự nghiệp
gian nan cực khổ”. Lãnh đạo sự nghiệp to lớn và vẻ vang đó, Đảng phải luôn
trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, sức chiến đấu để đảm đương vai trò lãnh đạo
phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân.
Đảng ta luôn vì dân vì nước
Trả lờiXóa