Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

ĐẢNG CẦM QUYỀN TRONG THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ “TẤT CẢ QUYỀN LỰC THUỘC VỀ NHÂN DÂN”

Chế độ chính trị được Hồ Chí Minh đề cập và phấn đấu xây dựng là chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ở đó, “Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra”, “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”. Trong đó “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Nhân dân là chiếc áo giáp thần kỳ che chở, bảo vệ Đảng, Nhà nước; nhân dân đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để nuôi dưỡng, bảo vệ chế độ. Không có nhân dân thì chế độ chính trị không có cơ sở để ra đời và tồn tại. 
Thể chế dân chủ cộng hòa đã làm thay đổi tận gốc quan hệ quyền lực chính trị và thực hiện quyền lực, nhân dân được đặt ở vị trí cao nhất, trung tâm, nhà nước không còn là công cụ thống trị, nô dịch dân như trong thời phong kiến. Vì vậy, trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân... nhân dân là ông chủ nắm chính quyền”. Hồ Chí Minh cho rằng dân là quý nhất, là quan trọng nhất, dân là tối thượng; trong thế giới không có gì mạnh bằng sức mạnh, lực lượng đoàn kết của nhân dân và lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó. 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đặt ra là làm sao để tất cả quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, nhân dân thực sự là người chủ Nhà nước và xã hội. Trong điều kiện dân chủ và pháp quyền, nhân dân có quyền đòi hỏi chính đáng, có nhu cầu tự nhiên và tất nhiên về việc phải kiểm soát được quyền lực mà mình đã giao cho chủ thể lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước là Đảng và Nhà nước, để làm sao cho quyền lực đó không bị biến dạng, không bị tha hóa, không bị lạm quyền, lộng quyền. 
Quan niệm toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện rõ nhất tính dân chủ triệt để của Nhà nước ta, trở thành nguyên tắc cơ bản tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước và được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lý mà đạo luật cao nhất là Hiến pháp. Các bản Hiến Pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều thể hiện điều đó. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ là một nội dung trọng yếu của việc kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục khơi nguồn động lực, tiềm năng, trí tuệ của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1 nhận xét: