Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

“LẤY DÂN LÀM GỐC” PHẢI LUÔN LÀ YẾU TỐ VĂN HÓA THẨM THẤU TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN CẦM QUYỀN

Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là đề cao tuyệt đối chữ dân. Trong một nước dân chủ thì nhân dân là chủ, làm chủ. Văn hóa đó được thể hiện rất rõ qua thực hành văn hóa trong Đảng, trong Nhà nước, trong các đoàn thể, trong thể chế, bộ máy, trong con người và qua hành vi của đội ngũ cán bộ, đảng viên, lấy nhân dân làm hệ quy chiếu trong mọi chủ trương, chính sách. 
Người cho rằng, cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tươi tốt... là cuộc chiến đấu khổng lồ, vì vậy, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân. Dân là gốc của nước, của cách mạng. “Nước lấy dân làm gốc”, “gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Là “gốc của nước”, nên nhân dân cũng là người quyết định thành bại của cách mạng. Hồ Chí Minh quan niệm, nhân dân là nguồn gốc sức mạnh, là nguồn trí tuệ, sáng kiến vô tận. Người viết: “Kinh nghiệm trong nước và các nước chứng tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”, “Không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy cũng làm không xong”. Muốn vậy, Đảng cầm quyền phải luôn quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thường xuyên chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách nhằm bảo đảm mưu cầu lợi ích tối cao của nhân dân. “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhận thức về dân chủ, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những sự phát triển vượt bậc trong thời kỳ đổi mới. Tại Đại hội VI (1986), Đảng ta chỉ rõ: “Thực tiễn cách mạng chứng minh: ở đâu, nhân dân lao động có ý thức làm chủ và được làm chủ thật sự, thì ở đấy xuất hiện phong trào cách mạng”, vì vậy Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Phương thức tổ chức vận động nhân dân và cũng là phương châm, khẩu hiệu cơ chế thực hiện dân chủ bước vào thời kỳ đổi mới được Đại hội VI của Đảng xác định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đảng ta cho rằng, đó là nền nếp hằng ngày của dân chủ của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động làm chủ, tham gia quản lý nhà nước của mình. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011), Đảng chỉ rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. 
Con người là nguồn vốn của mọi nguồn vốn, là nguồn lực quan trọng nhất của mọi nguồn lực, giá trị cao nhất của mọi giá trị. Con người Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là sức sống của đổi mới, là trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Trải qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã có những nhận thức mới ngày càng sâu sắc, cụ thể hơn về vị trí, vai trò của nhân dân, của dân chủ và phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra trong tổng kết sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Trong cơ chế dân chủ một đảng cầm quyền, ý Đảng trước hết phải từ ý dân và lòng dân, vì vậy, ý Đảng lòng dân là một, thống nhất hữu cơ, biện chứng, không thể tách rời. Lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành bài học và cấu thành hệ giá trị của đổi mới. 

1 nhận xét: