Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT CỦA NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Những năm gần đây, vấn đề người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội đã và đang là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Theo số liệu từ Tòa án Nhân dân tối cao, năm 2012, Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 6.425 bị cáo là người chưa thành niên, hàng năm có từ 16.000 đến 18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm từ 15 - 18% tội phạm. Tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của người chưa thành niên ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những năm 2000 trở về trước, hành vi phạm tội của người chưa thành niên chủ yếu là trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn, thì những năm gần đây đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, giết người, cướp tài sản có sử dụng vũ khí nóng, hiếp dâm, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy. Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt vụ phạm tội của một bộ phận thanh thiếu niên với những hành vi gây án ngông cuồng, manh động, côn đồ, giết người hết sức dã man; nạn tự tử, hút, lắc, bỏ học, bỏ nhà đi hoang, tập hợp thành băng nhóm, gây án lấy tiền thỏa mãn những cuộc vui, cơn nghiện ngày càng phổ biến.
Sự gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của người chưa thành niên do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản là: Một là, do gia đình lựa chọn phương pháp quản lý, giáo dục không đúng, nuông chiều thái quá hoặc dạy con bằng cách đánh đập, hành hạ; thiếu trách nhiệm, không quan tâm trong việc quản lý, giáo dục con cái; một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, chấp hành án phạt tù, đã chết, các em phải sống với dì ghẻ, bố dượng, mồ côi, sống một mình, lang thang… làm cho người chưa thành niên tự ti, mặc cảm, thiếu quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng khi hành động, dễ bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực, phạm tội. Hai là, do nhà trường nặng giáo dục tri thức, nhẹ giáo dục đạo đức, chưa quan tâm đúng mức đến việc hình thành những giá trị sống và kỹ năng sống, chưa chú trọng giáo dục pháp luật, sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ… tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo người chưa thành niên vào con đường vi phạm pháp luật. Ba là, do tác động của môi trường xã hội. Sự quản lý văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập, hệ thống pháp luật về người chưa thành niên thiếu đồng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội chưa quan tâm đúng mức đối với công tác phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, nhất là vai trò của Đoàn Thanh niên trong công tác giáo dục, phòng ngừa vi phạm pháp luật của người chưa thành niên còn mờ nhạt… làm cho những tác động xấu của môi trường xã hội ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người chưa thành niên. Những hình ảnh không đẹp trong thế giới người lớn (rượu chè, cờ bạc, ăn chơi vô độ, gây gổ, đánh nhau, cư xử thiếu văn hóa, lái xe lạng lách, vượt đèn vượt trạm, xem thường pháp luật, nói tục chửi thề…); phim ảnh, sách truyện, báo đài, mạng internet, game bạo lực,… quá nhiều thông tin về tệ nạn xã hội tác động vào tình cảm, tâm lý, khiến cho hình ảnh con người và xã hội trong tâm trí của giới trẻ trở nên xấu xa, dẫn đến tâm lý hoang mang, chống đối, nghi ngờ, lo sợ. Đặc biệt, phim ảnh bạo lực và game bạo lực hình thành và khơi dậy những cảm xúc, tâm lý tiêu cực như hận thù, đố kỵ, tính hiếu chiến,…Thế giới ảo là một trong những nguyên nhân lớn khiến thanh thiếu niên trở nên chai lì, vô cảm, độc ác, mất nhân tính. Bốn là, do người chưa thành niên còn chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, ham thích mới lạ, hiếu động, muốn thể hiện tính anh hùng, dễ bị kích động, lôi kéo... Do đó, để tăng cường phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên trong tình hình hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả những giải pháp chủ yếu là:
Thứ nhất, phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Gia đình có vai trò quyết định trong việc hình thành, phát triển nhân cách cho thanh thiếu niên. Nếu gia đình tạo dựng được môi trường giáo dục tốt, có nề nếp kỷ cương thì mặc dù điều kiện kinh tế có khó khăn nhưng vẫn có cuộc sống hạnh phúc, con cái có lối sống trong sáng, lành mạnh. Ngược lại, môi trường giáo dục trong gia đình không tốt sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn con cái đến con đường vi phạm pháp luật. Vì vậy, mỗi gia đình cần lựa chọn phương pháp giáo dục đúng đắn, tăng cường trách nhiệm trong quản lý và giáo dục; theo dõi, kiểm tra các hoạt động hằng ngày, kịp thời uốn nắn, sửa chữa mọi biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để con em bị lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ vào con đường tiêu cực. Đồng thời, các bậc cha mẹ cần chú trọng tìm hiểu, nâng cao tri thức về phòng, chống vi phạm, tội phạm, tệ nạn xã hội; nguyên nhân, cách nhận biết, tác hại và cách phòng, chống những vi phạm pháp luật, mắc nghiện ma túy;… Đặc biệt, cần xây dựng mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm cho con em lớn khôn và trưởng thành, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; đảm bảo đời sống kinh tế để con em có ít nhất là những điều kiện sống tối thiểu. Đồng thời, cần chú trọng định hướng, hình thành và phát huy vai trò chủ thể của thanh thiếu niên trong tự tu dưỡng, tự rèn luyện, “tự miễn dịch” trước những tác động tiêu cực từ môi trường sống.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, trách nhiệm công dân trong phòng, chống vi phạm tội phạm. Tuyên truyền rộng rãi những gương người tốt, việc tốt, tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; tổ chức sáng tác và phổ biến các công trình, tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật, điện ảnh…có giá trị giáo dục tốt cho thanh thiếu niên. Đồng thời siết chặt quản lý với những ấn phẩm, trang mạng, game online có nội dung không lành mạnh, quan tâm đầu tư thỏa đáng những thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho thanh thiếu niên.
Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong quản lý giáo dục học sinh, sinh viên; đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp giáo dục, chú trọng bồi dưỡng, phát triển nhân cách cho người học; đưa vào chương trình giáo dục chính khóa và nâng cao chất lượng giáo dục, pháp luật và các quy định bảo vệ an ninh, trật tự. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và các cơ quan chức năng khác trong việc quản lý, giáo dục thanh thiếu niên và phòng chống vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên.
Thứ tư, tổ chức Đoàn cần tự đổi mới, làm cho phong trào của Đoàn có sức hấp dẫn hơn đối với thanh thiếu niên, qua đó tập hợp thanh thiếu niên vào tổ chức Đoàn, tổ chức Hội và các phong trào, hoạt động của đoàn, Hội. Muốn vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động, tạo sân chơi lành mạnh, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sống, thường xuyên lựa chọn, bồi dưỡng hạt nhân cho công tác Đoàn; phát động và tổ chức phong trào đoàn phù hợp với từng địa phương, có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục, quản lý thanh thiếu niên.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan chức năng. Tấn công mạnh mẽ vào các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh hơn cho tuổi trẻ. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, củng cố các lực lượng nghiệp vụ trực tiếp phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, nhất là các lực lượng ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; kịp thời phát hiện, phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm nguy hiểm; nghiên cứu, dự báo tình hình tội phạm, đề xuất chủ trương, biện pháp đấu tranh phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết khắc phục và xử lý nghiêm minh những hiện tượng không lành mạnh trong các hoạt động văn hóa, thông tin, các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, triển khai có hiệu quả việc dạy nghề cho các đối tượng ở các trại giam, hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng vừa ra khỏi các trường giáo dưỡng hoặc trại giam nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng.

Như vậy, tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội có xu hướng gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp và hết sức nghiêm trọng. Thực tế đó là hồi chuông báo động đối với mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội cần có sự nhìn nhận đúng đắn về tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề này, từ đó thực hiện tổng hợp các giải pháp, huy động mọi lực lượng góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên; giáo dục, phát triển nhân cách cho thanh thiếu niên, để tuổi trẻ kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng, thật sự là người chủ tương lai của đất nước./.

2 nhận xét:

  1. thế sao, nguy hiểm quá, tôi phải xem lại cách quản lý, nuôi dạy con mình đấy, cảm ơn nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có rất nhiều môi trường tác động đến quá trình xã hội hóa của cá nhân, trong đó môi trường gia đình là một trong những môi trường tác động mạnh nhất đấy.

      Xóa