Sau những
biến động chính trị ở Liên Xô và Đông Âu vào cuối những năm 80 đầu những năm 90
của thế kỷ XX, các nhà tư tưởng phương Tây đã mở một chiến dịch tiến công nhằm
xuyên tạc, phủ nhận, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội (CNXH), lớn tiếng tuyên bố “chủ
nghĩa xã hội là quái thai của lịch sử”, là “ý muốn ngông cuồng” của C.Mác,
Ph.Ăngghen, V.I.Lênin. Hiện nay, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XII của Đảng, các thế lực thù địch càng ráo riết tiến công trên mặt trận tư
tưởng lý luận hòng làm dao động về lý tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN), gây mơ hồ, ảo tưởng về một chế độ xã hội tư bản tốt đẹp, phủ nhận
vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận mục tiêu, lý tưởng độc
lập dân tộc và CNXH mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn. Sự chống phá điên cuồng, quyết liệt đó càng chứng
tỏ sức sống của CNXH hiện thực mà các thế lực thù địch không thể ngăn cản được.
1. Sự thật, chủ nghĩa xã hội là khát vọng ngàn đời của
nhân loại tiến bộ. Cuối công xã nguyên thủy, khi xã hội đã manh nha phân
chia giai cấp, không hài lòng với xã hội đương thời, quần chúng
nghèo khổ đã hoài vọng về cuộc sống thời nguyên thuỷ tuy “nghèo về vật chất
nhưng giàu tình người”. Khi chế độ chiếm hữu nô lệ ra đời, giai cấp nô lệ chỉ
là “công cụ biết nói”, nhiều cuộc khởi nghĩa của nô lệ đã nổ ra nhằm đòi quyền
sống, quyền tự do, xóa bỏ giai cấp chủ nô tàn bạo, nhưng đều bị thất bại. Không
có lối thoát, họ đã ước mơ về một đời sống ấm no, bình đẳng trên “thiên đường”,
ở thế giới bên kia. Đến thời kì phong kiến, phản kháng lại chế độ hà khắc,
nhiều trào lưu tư tưởng XHCN đã phê phán sự tàn bạo, dã man, bất công của xã
hội đương thời và mơ ước xây dựng một xã hội tốt đẹp. Tomat
Morơ (1478-1535) - nhà tư tưởng XHCN không tưởng đã phê
phán gây gắt xã hội đương thời với hình tượng điển hình “cừu ăn thị người” và mơ
ước xây dựng một xã hội không có áp bức, bóc lột, bất công. Giăng
Mêliê (1664 - 1729) - một linh mục người Pháp trong
Di chúc để lại ông đã ông kêu gọi nhân dân hãy đứng lên đấu tranh xóa bỏ bộ máy
quan lại, quý tộc, tăng lữ đương thời, là lực lượng “ăn chơi phè phỡn trên lưng
người lao động”, nhân dân không cần bộ máy ăn bám đó.
Cuối thế kỷ XVIII đầu thế
kỷ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời, các nhà tư tưởng XHCN
không tưởng đã phê phán gần sát bản chất của xã hội tư sản và dự báo về mô hình một
xã hội tương lai tốt đẹp. Sáclơ
Phuriê (1772 - 1837) đã coi chủ
nghĩa tư bản là một “trạng thái vô chính phủ của công
nghiệp” “sự
nghèo khổ sinh ra từ chính bản thân sự dồi dào...”. Ông dự đoán, chế độ văn minh tư sản phải chuyển
sang một giai đoạn mới của lịch sử loài người, tức giai đoạn của “chế độ xã hội được bảo đảm”. Hăngri
Đơ Xanh Ximông (1760 - 1825) mơ ước xây
dựng một xã hội trong đó “chế độ sở hữu phải được tổ chức sao cho có lợi nhất cho toàn xã hội về
mặt tự do và về mặt kinh tế”. Rôbớt
Ôoen (1771 - 1858) coi tư hữu, tôn
giáo, hôn nhân tư sản là “ba cái cũi” cần xóa bỏ và ông đã trực tiếp thực nghiệm xây dựng một xã hội
tốt đẹp đem lại nhiều lợi ích cho công nhân. Nhưng ông ảo tưởng kêu gọi giai
cấp tư sản độ lượng, “mở két bạc” của nó để nuôi dưỡng giai cấp công nhân nên mô
hình đó không được hiện thực hóa.
Như vậy, ngay từ
khi xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng, nhân loại tiến bộ đã nguyền rủa
chế độ xã hội áp bức, bóc lột, bất công và mơ ước về một xã hội tốt đẹp không
có người bóc lột người - đó chính là xã hội XHCN, cộng sản chủ nghĩa (CSCN). Đúng như V.I.Lênin khẳng định: “Đã lâu rồi, đã hàng
bao thế kỷ nay, thậm chí hàng ngàn năm nay, nhân loại mong ước thủ tiêu “lập
tức” mọi sự bóc lột”[1]. Và “...xoá
bỏ sự khác nhau giữa người giàu và người nghèo. Đó là một nguyện vọng có tính
chất xã hội chủ nghĩa”[2].
2. Không chỉ là khát vọng, chủ
nghĩa xã hội là kết quả phát triển tất yếu của xã hội loài người. Từ lập trường của
giai cấp vô sản, kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại, gắn nghiên cứu lí luận với
hoạt động thực tiễn trong phong trào công nhân, với phẩm chất, trí tuệ tuyệt
vời, C.Mác và Ph.Ăngghen với hai phát kiến vĩ đại: chủ nghĩa duy vật lịch sử,
mà cốt lõi của nó là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội đã phát hiện ra quy
luật phát triển tất yếu của xã hội loài người là sự thay thế hình thái kinh tế
- xã hội cũ bằng một hình thái kinh tế - xã hội mới cao hơn, “sự phát triển của những hình thái kinh
tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”[3]. Từ
việc phát hiện ra quy
luật phát triển chung của nhân loại, các ông đi sâu nghiên cứu xã hội tư bản
chủ nghĩa, phát hiện ra
học thuyết giá trị thặng dư, vạch trần bản chất, cơ sở tồn tại của chủ nghĩa tư
bản là bóc lột giá trị sức lao động làm thuê của công nhân.
Để bóc lột giá trị thặng dư,
giai cấp tư sản đã phát triển các nhân tố của lực lượng sản xuất to
lớn, đồ sộ vượt quá mức dung nạp của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, mâu
thuẫn này tất yếu dẫn đến cuộc cách mạng xã hội thay thế phương thức sản xuất tư
bản chủ nghĩa bằng một phương thức cao hơn, phương thức sản xuất CSCN - hình
thái kinh tế - xã hội CSCN. Chủ nghĩa xã hội “không cần phải thực hiện một lý
tưởng nào cả, mà chỉ cần giải phóng những nhân tố của xã hội mới đã phát triển
trong lòng xã hội tư sản cũ đang sụp đổ”[4]. Từ đó,
các ông khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội hiện đại chẳng qua chỉ là sự phản ánh của
sự xung đột có thật ấy vào trong tư duy, là sự phản ánh trên ý niệm của sự xung
đột ấy, trước hết trong đầu óc của giai cấp trực tiếp chịu đau khổ và sự xung
đột ấy, tức là giai cấp công nhân”[5]. Các
ông chỉ rõ, giai cấp công nhân là lực lượng duy nhất có sứ mệnh lịch sử cao cả xóa
bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ XHCN, CSCN thông qua cách mạng xã
hội chủ nghĩa: “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình,
nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những người
công nhân hiện đại”[6]. Từ sự
vận động tất yếu của lịch sử, các ông chỉ rõ: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và
thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”[7]. Bằng
những phát hiện vĩ đại này, Mác - Ăngghen đã nâng CNXH từ không tưởng trở thành
khoa học, trở thành vũ khí tư tưởng, hệ tư tưởng chỉ đạo phong trào đấu tranh
của giai cấp công nhân, chuyển phong đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự
phát lên tự giác, liên
tục thu được những thành quả đáng tự hào.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã phát
triển thành chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin rút ra kết luận: “Tất cả các dân tộc
đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các
dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau;
mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của
chế độ dân chủ; vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ
này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác
nhau của đời sống xã hội”[8].
3. CNXH hiện thực
đã ra đời, tồn tại mang bản chất ưu việt hơn hẳn so với tất cả các chế độ xã hội đã tồn tại trong
lịch sử. Năm 1871, Công xã Pari nổ ra, tuy chỉ tồn tại trong 72 ngày nhưng bước đầu đã chứng minh khả năng cách mạng của giai
cấp công nhân và bản chất tốt đẹp của
mô hình xã hội XHCN. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga
(1917), đã sáng lập nên một chế độ xã hội mới – xã hội XHCN. Lần đầu tiên trong lịch sử, khát vọng thoát
khỏi áp bức, bóc lột, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân
loại cần lao đã trở thành hiện thực sinh động trên một đất nước rộng lớn bằng
một phần sáu trái đất, “Nước Nga có chuyên lạ đời, biến người nô lệ thành người
tự do” và đã mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH
trên phạm vi toàn thế giới.
Nước Nga Xô viết, tiếp sau là Liên Xô đã sáng tạo nên những giá trị Xô viết vĩ đại
để nhân loại tiến bộ noi theo. Ngay sau thắng lợi của
Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Xô
viết đã ban hành những sắc lệnh nổi tiếng: Sắc lệnh về Hòa bình, Sắc lệnh về
Ruộng đất, đồng thời ban hành hàng loạt chính sách tiến bộ như: ngày làm 8 giờ,
giáo dục không mất tiền, bình đẳng nam nữ, tự do tín ngưỡng, tách nhà thờ khỏi
nhà trường… Trong hơn 70 năm (1917 - 1991) xây dựng và phát triển, từ một nước
Nga lạc hậu, Liên Xô đã trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ), sản lượng công
nghiệp chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới
; kinh tế tăng trưởng hàng năm với tốc độ bình quân vài chục phần trăm, đã từng
là cường quốc đứng thứ ba thế giới. Chính trị, văn hóa, khoa học giáo dục đều
có sự phát triển vượt bậc và ảnh hưởng lớn đến nhiều nước trên thế giới.
Liên-Xô trở thành một dân tộc có nền văn hoá cao, phổ cập giáo dục rộng rãi
nhất với ¾ dân số có
trình độ từ trung học trở lên, trên 30 triệu người làm việc trí óc[9]…. Liên-Xô đi tiên phong
trong nhiều ngành khoa học như ngành vũ trụ, hạt nhân, sinh học..., có lĩnh vực
đã từng vượt Mỹ. Liên-Xô đã giải phóng
hàng trăm dân tộc thiểu số ra khỏi Nước Nga Sa hoàng - nhà tù của các
dân tộc, đem đến cho họ cuộc sống mới. Khắc phục những khác biệt về kinh tế
- xã hội; tăng cường sự đoàn kết, hữu
nghị, giao lưu hòa hợp và xích lại gần nhau giữa các dân tộc. Đời sống mọi mặt
của các dân tộc được nâng cao. Quần chúng công nông được hưởng đầy đủ các quyền
chính trị kinh tế văn hóa xã hội bảo vệ sức khoẻ, chữa bệnh và nhiều giá trị
khác nữa như quyền nhà ở, quyền được học
hành, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo… . Đó chính là những giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt do Liên Xô tạo nên, đã
buộc chủ nghĩa tư bản phải tự điều chỉnh, tự tô vẽ lại bộ mặt của mình theo
hướng nhân văn hơn, tiến bộ hơn.
Liên Xô đã tích cực, chủ động giúp đỡ phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế và
phong trào giải phóng dân tộc hiệu quả, thiết thực. Chủ
nghĩa xã hội hiện thực đứng đầu là Liên Xô đã từng là lực lượng lớn mạnh, có
tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự to lớn, đủ sức răn đe, ngăn chặn sự hiếu
chiến, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Với sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn của
Liên Xô, phong trào giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc phát triển như vũ bão;
phong trào cộng sản- công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh cho hoà bình, dân
chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới lớn mạnh không ngừng. Liên Xô đã thực sự là
thành trì của hoà bình, an ninh quốc tế, góp phần chủ yếu cứu loài người khỏi
thảm hoạ phát xít.
Chủ nghĩa xã hội
từ một nước phát triển thành một hệ thống thế giới, tạo thế cân bằng với chủ nghĩa tư bản, góp
phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và
tiến bộ xã hội, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt hành
tinh. Đó hoàn toàn không
phải là “giấc mơ”, mà là sức sống của một chế độ xã hội XHCN hiện thực tiến bộ, vì con người.
Thế nhưng, sau 70 năm tồn tại và phát triển, CNXH
hiện thực đã sụp đổ ngay trên chính quê hương đã sinh ra nó. Có nhiều nguyên
nhân dẫn đến cơn chấn động chính trị này, trong đó nguyên nhân sâu xa là sự vận
dụng giáo điều chủ nghĩa Mác - Lênin,
duy trì quá lâu mô hình kinh tế - xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp; nguyên
nhân trực tiếp là do sai lầm của những người lãnh đạo đứng đầu của Đảng Cộng sản cùng với sự phản bội của một số kẻ cơ hội bên trong kết hợp với
sự chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Bởi thế, sự sụp đổ hệ thống
XHCN hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của lý tưởng cộng sản, càng không phải
là sự phá sản của chủ nghĩa Mác, không phải là sự diệt vong tất yếu của CNXH
hiện thực mà là sự đổ vỡ của một mô hình CNXH còn nhiều khuyết tật, không tôn
trọng quy luật khách quan… Thực tế, sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ, nhân dân Nga vẫn đánh giá cao các giá trị Xô viết, trong một
cuộc thăm dò dư luận, tiến hành vào ngày 12 tháng 1
năm 2008,
trung tâm Phân tích Levada đã đưa ra các số liệu: 57% số người dân Nga được hỏi
ý kiến cho rằng: Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga,
26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch
sử nước Nga. 31 % cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế
và xã hội Nga.
4. Hiện nay, mặc dù chủ nghĩa tư bản vẫn
còn khả năng phát triển nhưng những mâu thuẫn cơ bản vốn có không những không
được khắc phục mà còn tăng lên, chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ bị thay thế bằng
CNXH, CNCS. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất,
giai cấp tư sản với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chủ nghĩa đế quốc
với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa đế quốc với những nước phụ thuộc ngày càng
tăng lên. Đặc biệt, sự tích tụ tư bản với một khối lượng khổng lồ đang ngày
càng tập trung vào tay một số ít các nhà tư sản, là điều kiện cho phép các nhóm
tư bản và cá nhân thu được lợi nhuận kếch sù. Ở nhiều nước tư bản, bình quân tỷ
suất chiếm đoạt lợi nhuận là 300%, cá biệt có những nơi lên tới 700% - 800%. Ở
Mỹ, 1% người giàu nhất đã làm chủ 40% tài sản, trong khi 80% người dân ở mức
thấp nhất làm chủ chỉ có 7% tài sản nước Mỹ[10]. Năm 2011, tại Liên minh châu Âu có 120 triệu người sống
trong cảnh nghèo đói. Tổ chức phi chính phủ Oxfam có trụ sở tại Anh, ngày 12
tháng 9 năm 2013 cảnh báo, tới năm 2015, sẽ có thêm 25 triệu người châu Âu rơi
vào cảnh đói nghèo[11]. Thực
chất sự phát triển của chủ nghĩa tư bản những năm qua chỉ hướng tới phục vụ cho
một bộ phận giàu có nhất. Chính điều đó đã làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng
gây gắt, làm bùng phát nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của giai cấp công nhân
và người lao động chống lại giới chủ tư sản với quy mô rộng khắp. Khởi nguồn là
từ “phố Wall” - trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất nước Mỹ (nổ ra vào ngày 14
tháng 9 năm 2012), sau đó, lan rộng ra hàng chục thành phố của Mỹ và các nước
thuộc Liên minh châu Âu
để phản đối các biện pháp khắc khổ và tỉ lệ thất nghiệp, đói nghèo đang ngày
càng gia tăng[12].
Sự phản kháng xã hội mạnh mẽ càng làm bộc lộ bản chất của các thể chế chính trị
tư bản chủ nghĩa. Khẩu hiệu “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp
đặt lên toàn thế giới không đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, đằng
sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản.
Sự thật này một lần nữa chứng minh tính chất phản tiến bộ, phản nhân văn và
không bền vững của chủ nghĩa tư bản. Đúng như Mác đã từng nói, chủ nghĩa tư bản
đang huỷ hoại chính ngay những nhân tố làm nên sự giàu có của nó là lao động và tài nguyên.
Mặc dù, hiện nay ở nhiều nước tư bản phát triển, đời sống của giai cấp công
nhân và người lao động đã được cải thiện, một bộ phận công nhân đã là chủ nhân
của một số lượng cổ phiếu nhất định trong công ty và trở thành tầng lớp trung
lưu trong xã hội. Đó là kết quả của các cuộc đấu tranh quyết liệt liên tục, bền
bỉ của chính bản thân giai cấp công nhân và người lao động chống lại sự áp bức,
bóc lột của giới chủ trong suốt nhiều thế kỷ. Nhưng so với tỷ suất bóc lột và những món
lợi nhuận kếch xù mà giai cấp tư sản có được thì sự điều chỉnh về chế độ phúc
lợi xã hội, an sinh xã hội tiến bộ cho công nhân và người lao động cũng vô cùng
nhỏ bé. Suy cho cùng những điều chỉnh của giới chủ theo hướng thỏa mãn ngày
càng nhiều hơn những đòi hỏi chính đáng của giai cấp công nhân và người lao
động, trước
hết cũng là vì lợi ích của chính giai cấp tư sản. Sự điều chỉnh, thích nghi chỉ
làm dịu đi những mâu thuẫn xã hội, chứ không làm thay đổi bản chất của chế độ
tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất với
chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, được biểu hiện ở mâu thuẫn giữa giai
cấp vô sản với giai cấp tư sản vẫn tồn tại và ngày càng gay gắt, tất yếu chế độ
tư bản chủ nghĩa sẽ bị CNXH, CNCS thay thế trong tương lai.
5. Quá độ lên CNXH vẫn là một tất
yếu khách quan trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Trái với
dự đoán của nhiều chính khách và phần tử cơ hội sau sự sụp đổ chế độ XHCN ở
Liên xô và Đông Âu, các nước XHCN còn lại không những không bị sụp đổ mà còn
đổi mới, cải cách thành công và tiếp tục vững bước đi lên CNXH. Thành công của
công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam, cải cách kinh tế ở
Lào, kết quả bước đầu của chính sách “cập nhật hoá mô hình kinh tế” ở Cuba,… đã
đưa các nước này không chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội
trầm trọng, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch,
mà còn tạo được những bước đột phá phát triển, là những bằng chứng rõ ràng về
sự phục hồi của CNXH. Đồng thời, sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào cánh tả ở
nhiều nước Mỹ Latinh trong gần hai thập niên qua là bằng chứng sống động về sự
bền bỉ của lý tưởng XHCN. Rõ ràng, mặc dù con đường đi lên CNXH đã và đang trải
qua những khó khăn, thử thách, nhưng “theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài
người nhất định sẽ tiến tới CNXH”[13].
Chủ nghĩa xã hội là hiện
thực sinh động, tương lai tươi sáng của nhân loại tiến bộ đang nỗ lực hướng
tới...
6. Đi lên CNXH là khát vọng của toàn
thể dân tộc Việt Nam, phù hợp xu thế thời đại. Trước đòi hỏi cấp thiết của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời, lãnh
đạo dân tộc ta làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị
gần 100 năm của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà,
đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước.
Bằng sức mạnh của CNXH, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
đưa miền Bắc đi lên CNXH, Đại
thắng Mùa Xuân 1975 đưa cả nước
đi lên CNXH. Đến cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế
giới CNXH hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, phong trào XHCN đang trong giai
đoạn khủng hoảng, thoái trào, Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân
dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa”. Hiện
nay, tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, sự nghiệp
đổi mới đất nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội đan xen với những thách
thức, khó khăn, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ
sung, phát triển năm 2011), một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là
khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam
và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[14].
Nhờ sự kiên định ấy, sau gần 30 đổi mới dưới sự lãnh
đạo của Đảng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, thế và lực của đất nước ngày
càng được nâng cao. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành
nước đang phát triển có thu nhập trung bình; chính
trị xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc
gia được giữ vững. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm; cơ cấu kinh tế
chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 83% trong tổng GDP; GDP
tăng gấp gần 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần; GDP bình quân
đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.200 USD; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm,
phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ hộ nghèo giảm
mạnh, còn dưới 6%, đã có hơn 98% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc
gia; tuổi thọ trung bình tăng từ 64,8 tuổi năm 1986 lên khoảng 73,5 tuổi năm
2015. Năm 2000 cả nước đã đạt chuẩn quốc gia
về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ người lớn biết chữ tăng từ
84% năm 1980 lên 98,25% năm 2014. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ
81% năm 1990 xuống còn khoảng 22,4% năm 2014. Đến nay, nước ta đã có
quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh
thổ trên thế giới; hiện có hơn 18.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với
tổng số vốn đăng ký 256 tỷ USD, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc
tế ngày càng được nâng cao… Trong những năm vừa qua, trước tác động tiêu cực
của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nước ta đã thực hiện
được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng
kinh tế ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội…[15]
.
Tuy nhiên, sự nghiệp đổi mới đất nước vẫn còn tồn
tại nhiều hạn chế, yếu kém; có những yếu kém kéo dài chậm được khắc phục. Đổi
mới chưa đồng bộ và toàn diện, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, chất
lượng nguồn nhân lực còn thấp; tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối
sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng,
lãng phí… chưa được ngăn chặn đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến
phức tạp, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, kỷ cương pháp nước chưa nghiêm, một
số mặt công tác xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm. Trong lịch sử cách mạng, dù gặp muôn vàn khó khăn trong thời kì
những năm 1930 “cơ sở cách mạng bị khủng bố trắng”, những năm 1945, chính quyền
cách mạng non trẻ phải chống lại cả “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, trong
thời kỳ chống Pháp, “châu chấu đá xe”, chống Mỹ- cường quốc số một thế giới,
điên cuồng hòng “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, những năm 1980 , “lụt bắc, lụt nam, máu tràn
biên giới” mà chúng ta đã trải qua và đã giành thắng lợi vĩ đại, thì những hạn chế, khó khăn
hiện nay chúng ta đang mắc phải chúng ta tin tưởng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo
của Đảng có thể và sẽ khắc phục được. CNXH không phải là ảo tưởng mà
là hiện thực đang ngày càng sinh động ở nước ta. Hiện thực đó không phải chỉ những người
cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam tự nhận, tự thấy mà được các nước, các tổ
chức quốc tế thừa nhận và ca ngợi. Thô-mát Gian-đơn (Thomas Jandl), TS người Mỹ
đã nhiều lần đến Việt Nam, nhận xét: Việt Nam đã rất thành công và đạt nhiều
tiến bộ trong giải quyết vấn đề liên quan đến quyền con người như: Chương trình
xóa đói giảm nghèo và hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhìn vào tổng thể,
có thể nói Việt Nam đã bảo đảm tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
cho người dân… Việt Nam được thế giới biết đến như một tấm gương về tiến độ
thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Thành tựu Đổi
mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là to lớn và rất quan trọng, có ý nghĩa
không chỉ với quốc gia mà ở mức độ nhất định cũng góp phần thúc đẩy sự phát
triển của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. “… tương lai của chủ nghĩa xã
hội phụ thuộc ở mức độ quyết định vào những cuộc cải cách của chủ nghĩa xã hội
ở Trung Quốc và Việt Nam”[16]. Hiện thực ấy cũng là những đòn giáng trả đanh
thép giành cho những kẻ cơ hội chính trị đang hàng ngày, hàng giờ kêu gào đòi
từ bỏ CNXH.
Lịch sử phát triển của nhân loại đã minh chứng, tầng lớp chủ nô có tàn bạo đến
đâu cũng không duy trì mãi được chế độ nô lệ và phải bị chế độ phong kiến thay
thế; tầng lớp địa chủ, quý tộc có vạn
lần
tung hô “quốc
vương vạn tuế” thì chế độ phong kiến cũng
bị chế độ tư bản thay thế; và hiện nay giai cấp tư sản có trăm phương ngàn kế
tô vẽ chủ nghĩa tư bản vĩnh hằng, thì nó cũng
sẽ bị CNXH, CNCS thay thế. Đó là quy luật thép của sự phát triển lịch sử xã hội
loài người. Đảng ta, nhân dân ta phấn đấu đi lên CNXH, CNCS là phù hợp với quy
luật thép ấy./.
[3] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.21
[4] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 17, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 445 - 446
[5] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 372 - 373
[6] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 605
[7] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 613
[8]
V.I.Lênin, Toàn tập, tập 30, Nxb Tiến
bộ, Matxcơva, 1981, tr. 140
[9] Nguyễn
Anh Thái (chủ biên), Lịch sử thế giới
hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 258 - 259.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG.H. 2011, tr. 69
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG.H. 2011, tr 70.
[15] Xem: http://baodientu.chinhphu.vn/Diễn văn của
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ kỷ niệm Ngày 30/4.
[16]Giáo sư, Tiến sĩ Alếchxăng
Lilốp:Việt nam trong thế kỷ XX, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.1, tr. 156.
tôi không hiểu sâu sắc về lý luận, nhưng tôi nghĩ rằng, mỗi con người bình thường nhất đều hi vọng có một cuộc sống không có áp bức, bốc lột, bất công. Không phải bây giờ mà ngay từ xa xưa ông bà ta đã kiên quyết đấu tranh để có cuộc sống tốt đẹp. Tôi tin rằng, mục tiêu, lý tưởng mà dân tộc ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn.
Trả lờiXóa