Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

PHẢI CHĂNG “BẢO VỆ TỔ QUỐC CHỈ LÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ QUỐC GIA KHÔNG CẦN BẢO VỆ CHẾ ĐỘ, BẢO VỆ ĐẢNG”?

Bảo vệ T quốc xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sự nghiệp quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong bối cảnh thế giới, đất nước có nhiều biến động phức tạp và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về nhận thức, quan điểm lý luận, cũng như trong tổ chức hoạt động thực tiễn. Quá trình đổi mới nhận thức, phát triển tư duy cũng chính là quá trình đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, nhằm khẳng định, bảo vệ và thể hiện rõ hơn những nội dung của tư duy mới.
Từ nhận thức Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là thực thể thống nhất về tự nhiên và chính trị, xã hội, bao gồm toàn bộ các yếu tố địa lý, lãnh thổ, dân cư, các giá trị văn hóa, lịch sử,... và chế độ xã hội chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội XII đã khẳng định và chỉ rõ: “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”[1]. Theo tư duy của Đảng, thực chất bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo vệ Tổ quốc trong một chỉnh thể thống nhất: Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tư duy của Đảng thể hiện rõ tính chất toàn diện, thống nhất của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất, không thể tách rời giữa các nội dung trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ nội dung này cũng có nghĩa là góp phần bảo vệ nội dung khác, và ngược lại. Bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ gắn bó chặt chẽ với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa cũng bao hàm cả bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Những quan điểm cho rằng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay “chỉ là bảo vệ đất nước, chủ quyển, lãnh thổ quốc gia”, không cần phải gắn với bảo vệ chế độ, an ninh chính trị, bảo vệ Đảng là những quan điểm thù địch, sai trái và phản khoa học. Tính chất thù địch, sai trái và phản khoa học đó thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, thực chất của những quan điểm đó là nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta, thủ tiêu lực lượng lãnh đạo và chế độ xã hội mà chỉ có nó nhân dân ta mới có được độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự; Thứ hai, việc tách rời mặt tự nhiên và mặt chính trị, xã hội là điều không thể được đối với bất cứ tổ quốc nào. Những quan điểm đòi tách rời ra đó thực chất là nhằm hướng tới hủy hoại tính chất xã hội chủ nghĩa của mặt chính trị, xã hội của Tổ quốc Việt Nam, làm cho Tổ quốc Việt Nam của nhân dân ta mang tính chất khác, tính chất tư sản.
Tính chất nguy hiểm của quan điểm này thể hiện ở chỗ, không những nó làm cho chúng ta dễ rơi vào mất cảnh giác, trong thực tiễn bảo vệ Tổ quốc dễ dẫn đến chỉ chú trọng một chiều mặt bảo vệ này mà xem nhẹ, thậm chí bỏ qua mặt bảo vệ khác; mà còn làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa - mục tiêu, lý tưởng do chính lịch sử dân tộc ta, do chính nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và phấn đấu hy sinh với biết bao mồ hôi, công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam suốt hơn tám thập kỷ qua - trong ý thức của nhân dân và của cả cán bộ, đảng viên. Thực tế, trong chúng ta không phải không có người khi nói đến bảo vệ Tổ quốc là chỉ nói đến bảo vệ đất nước, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, “không nói đến” bảo vệ chế độ; tính từ “xã hội chủ nghĩa” có vẻ như “dị ứng” trong nhận thức, tư tưởng của một số ít người. Khẳng định sự thống nhất và gắn bó chặt chẽ giữa bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là thể hiện rõ sự kiên định về con đường và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong bối cảnh lịch sử mới trong tư duy của Đảng. Ở đây cần phải nhận thức rõ thêm, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cũng hàm chứa cả việc bảo vệ chế độ và sự lãnh đạo của Đảng; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng cũng hàm chứa cả việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó phản ánh mối quan hệ, không thể tách rời giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa lợi ích của Đảng và lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Mọi sự tách rời giữa các mặt của các mối quan hệ đó đều là không đúng với bản chất và thực chất của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./. 

[1] Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr.147-148

1 nhận xét:

  1. Chi co nhung ke tham vang bo ngai, bam got giay tay moi khong hieu duoc gia tri thieng lieng cua To quoc

    Trả lờiXóa