Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

NGHĨ VỀ QUAN ĐIỂM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY

Việt Nam có bờ biển dài khoảng trên 3.260 km, diện tích biển rộng trên 1 triệu ki-lô-mét vuông, chiếm 30% diện tích Biển Đông, có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp vì những hành động ngày càng leo thang và ngang ngược từ phíaTrung Quốc. Đối với vấn đề này, Việt Nam khẳng định: Việt Nam có chủ quyền lãnh thổ không bàn cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tuân thủ các nguyên tắc và cam kết đã thỏa thuận, không để ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như hòa bình phát triển ở khu vực.
Đó là quan điểm nhất quán của của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ngay trong Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã nêu rõ: “Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sẽ cùng các nước có liên quan thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được công bố ngay sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng liên quan tới biển với các nước liên quan thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.
Đặc biệt, trong Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá IX, tại Kỳ họp thứ 5, ngày 23/6/1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982” và có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, nhấn mạnh: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven  biển  đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”. Quốc hội nêu rõ: “Cần phân biệt vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982”. Nghị quyết cũng nêu rõ: “Quốc hội khẳng định chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam đối với các vùng nội thuỷ, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam”.
Chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia. Với thiện chí gìn giữ hoà bình trên Biển Đông, Việt Nam luôn luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực; thông qua con đường đàm phán với các nước hữu quan để tìm ra giải pháp phù hợp cho vấn đề hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế nhưng, trước những hành động sai trái của Trung Quốc, vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nhu nhược trong vấn đề tranh chấp Biển Đông? Tại sao không dám đánh Trung Quốc? Thậm chí trên mạng internet có nhiều đối tượng còn kêu gọi nhân dân đối lập với chính quyền, ở một số nơi còn để các thế lực phản động, thù địch lợi dụng kích động xuống đường biểu tình phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta, nhưng hãy tỉnh táo để thể hiện hành động yêu nước, không để kẻ thù lợi dụng làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Mỗi người hãy bình tĩnh suy nghĩ, thử tự hỏi và tự mình trả lời, liệu chúng ta sẽ được gì và mất gì khi xung đột vũ trang xảy ra?
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược của thế lực ngoại bang phương bắc và gần đây là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân ta tự hào về một dân tộc anh hùng, giàu lòng yêu nước, không khất phục trước kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Đồng thời, lịch sử cũng cho thấy tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. Chúng ta có thể nhún nhường để có hòa bình và giữ gìn mối quan hệ bang giao hữu hảo với các dân tộc khác, chúng ta chỉ thực hiện quyền tự vệ chính đáng khi bị kẻ thù xâm lược, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Hơn nữa, Việt Nam có cơ sở để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Trong công trình nghiên cứu của mình, bà Monique Chemillier - Gendreau đánh giá cao các nguồn tư liệu của Việt Nam, bà khẳng quyết: “Ứng cử viên nghiêm chỉnh nhất giành danh nghĩa trên các đảo này (Hoàng Sa và Trường Sa) về cả căn cứ lịch sử cổ xưa của họ lẫn cơ chế pháp lý về thừa kế các quyền đã được thực dân khẳng định, đúng là Việt Nam. Nam Việt Nam đến năm 1975 rồi nước Việt Nam tái thống nhất sau đó đã xác định sự có mặt rộng rãi nhất có thể có bằng cách chiếm đóng một số đảo nhỏ”[1]. Cần nói thêm rằng, Trung Quốc tự dựng lên tranh chấp, còn Việt Nam khẳng định chủ quyền chứ không tranh chấp với Trung Quốc về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi hai quần đảo này của Việt Nam. Đó là một sự thật hiển nhiên.
 Việt Nam giải quyết vấn đề tranh chấp bằng ngoại giao thông qua con đường hòa bình thể hiện sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, tôn trọng các nước, tôn trọng cam kết cũng như luôn coi trọng vấn đề bảo vệ hòa bình, ổn định thế giới và khu vực. Và đó, cũng là xu hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế hiện nay. Trước những hành động sai trái của Trung Quốc, Việt Nam luôn bình tĩnh giải quyết, tôn trọng Luật biển quốc tế cũng như hiệp ước giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu Việt Nam cũng hành động như Trung Quốc liệu hòa bình có còn, liệu Việt Nam có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế không? Mặt khác, hoàn cảnh thế giới hiện nay, đòi hỏi phải giải quyết vấn đề biển Đông một cách khéo léo, tỉnh táo, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm tư lợi hoặc tạo cớ can thiệp, phức tạp hóa tình hình. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình không có nghĩa là dân tộc ta nhu nhược, mà là ta lựa chọn phương thức phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc qia, chúng ta chỉ đánh khi đó là phương thức cuối cùng mà thôi.
Nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo có thể thấy, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Mỗi người cần có nhận thức đúng và tin tưởng vào chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta; góp phần thiết thực để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia. Đó là hành động thiết thực, có ý nghĩa quyết định nhất để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo trong điều kiện hiện nay. /.




[1] Monique Chemillier - Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb CTQG, H.1998, tr.10

1 nhận xét:

  1. Đây là vấn đề rất phức tạp hiện nay, song không phải ai cũng hiểu đúng quan điểm, chính sách của đẩng,nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Tôi nghĩ phương thức giải quyết đó hoàn toàn phù hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ lợi ích dân tộc.

    Trả lờiXóa