Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

PHẢI CHĂNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐANG ĐỒNG HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ NHƯ QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ NƯỚC NGOÀI?

Là một quốc gia đa dân tộc, có thể thấy, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta đã và đang thu hút sự quan tâm đáng kể của nhiều học giả nước ngoài. Tuy nhiên, khác với các học giả Việt Nam thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng và hiệu quả của chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nhằm thay đổi và nâng cao đời sống các tộc người thiểu số ở miền núi, phần lớn các công trình của học giả nước ngoài có xu hướng xem xét các chính sách phát triển vùng núi của nhà nước Việt Nam như một nỗ lực đồng hóa văn hóa các dân tộc thiểu số. Họ thường lờ đi sự khác biệt về bản chất chức năng tốt đẹp của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với các kiểu nhà nước của xã hội có giai cấp đối kháng trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và tộc người. Tiêu biểu cho quan điểm này là ba nhà nhân học được biết đến nhiều ở Việt Nam, đó là Charles Keyes, Oscar Salemink và Pamela McElwee.
Charles Keyes, một nhà nhân học người Mỹ cho rằng, các tộc người thiểu số, dù sinh sống dưới bất kỳ thể chế nhà nước nào, nền văn hóa và bản sắc riêng biệt của họ cũng đều bị xem là đối tượng mà nhà nước thấy cần phải xóa bỏ. Theo ông ta, mặc dù Việt Nam có thể chế và hệ tư tưởng khác phần còn lại của Đông Nam Á, nhưng chính sách dân tộc thì không có gì khác biệt. Quan điểm của C.Keyes được O.Salemink tiếp nối khi xem xét việc thực hiện chính sách định canh định cư của Việt Nam ở Tây Nguyên. Theo O.Salemink, chính sách đó đã cho phép chính phủ can thiệp vào lối sống các dân tộc Tây Nguyên, việc “cải thiện” đời sống chỉ là những kỹ thuật nhằm đưa người dân vào khuôn khổ. Với cái nhìn đầy thiên kiến, Pamela McElwee cũng cho rằng, chính sách định canh định cư ở vùng núi Việt Nam được xây dựng trên quan điểm định kiến của nhà nước đối với các dân tộc thiểu số, với mục đích can thiệp vào lối sống các dân tộc. Họ thường phê phán một cách phiến diện về chính sách dân tộc ở Việt Nam theo kiểu quy chụp dựa trên một số hạn chế của việc thực hiện chính sách dân tộc. Những quan điểm nói trên thường mang các thiên kiến chủ quan và định kiến chính trị.
Theo nguyên tắc tổ chức nhà nước của chủ nghĩa Mác - Lênin, một trong những chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa là bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích các dân tộc và mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trên nguyên tắc: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết; liên hợp công nhân tất cả các dân tộc lại”[1]. Bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc. Tính dân tộc của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện trước hết ở việc Nhà nước ta ra đời từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong các thời kỳ cách mạng, Nhà nước luôn tổ chức nhân dân các dân tộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, gắn lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích dân tộc. Trong Hiến pháp và thực tiễn xã hội, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách dân tộc nhất quán là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lê nin và đặc điểm dân tộc nước ta, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: "Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc"[2]. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước là một bộ phận của chính sách phát triển quốc gia - dân tộc, nhằm phát triển dân tộc, xây dựng và củng cố vững chắc quan hệ dân tộc - quốc gia ở Việt Nam.
Qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam đã tạo ra cuộc cách mạng phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa IX của Đảng đã nêu rõ những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực trong thực hiện chính sách ở nước ta. Mấy thập kỷ qua, chính sách dân tộc đã và đang thay đổi bộ mặt vùng dân tộc và miền núi nước ta từ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đến  đời sống vật chất, tinh thần, phong tục tập quán... Nhà nước đã thực hiện chính sách đồng bộ và toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa bàn dân tộc thiểu số để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Đảng và Nhà nước coi đây là một cuộc vận động cách mạng sâu sắc về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Chỉ tính riêng hệ thống chính sách dân tộc ở nước ta giai đoạn 2011-2015 đã bao gồm 154 chính sách với ngân sách nhà nước đã đầu tư 135.800 tỷ đồng. Chương trình 135 giai đoạn III thực hiện tại 2.331 xã, ở 415 huyện, đã đầu tư gần 20.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh miền núi và dân tộc thiểu số đạt từ 8% - 10%, cao hơn nhiều mức bình quân chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 2% ; 100% số xã có trạm y tế và trường tiểu học; 97,9% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 96,4% có điện… (Báo Nhân Dân điện tử, thứ Tư, 02/03/2016, 02:55:07).
Rõ ràng, cách nhìn có tính quy kết của các học giả nước ngoài về chính sách dân tộc ở nước ta đã bị bác bỏ cả trên phương diện lý luận và thực tiễn của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.



8. Lê nin, Toàn tập, tập 25, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr. 375.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TƯ Đảng xuất bản, Hà Nội, tr. 164-165.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét