Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH BẢO VỆ ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG HIỆN NAY

         Thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã và đang tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, trá hình. Cùng với các hoạt động phá hoại vào nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước trên các phương diện khác, chúng ra sức sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, các blog để chuyển tải thông tin, quan điểm sai trái, thù địch và móc nối, tổ chức lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề rất quan trọng liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng           Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta đã khẳng định bản lĩnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện ở đường lối, chính sách, ở chiến lược và sách lược đúng đắn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.        Việc một số người dưới danh nghĩa đảng viên “trung thành” viết và phát tán trên mạng internet “Thư ngỏ” với những hình thức khác nhau, “kiến nghị” Đảng ta thay đổi Cương lĩnh, xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta, đòi Đảng từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ, đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng… Thực chất, “những kiến nghị” đó không có gì mới và xa lạ với thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước suốt 30 năm qua của nhân dân ta. Nếu ai đó cho rằng, những tồn tại nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp dẫn đến làm suy giảm lòng tin của nhân dân… để từ đó xuyên tạc, quy kết nguyên nhân do thể chế chính trị của nước ta hiện nay là “độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ, chia rẽ dân tộc” và kiến nghị thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội thì chẳng những họ đã xuyên tạc lịch sử, mà còn là một sai lầm nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị.          Nếu đi theo con đường mà một số người kiến nghị: “Chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị sang cái gọi là “dân chủ” kiểu phương Tây… thì kịch bản và hậu quả sẽ như thế nào, khi Họ không hề quan tâm đến sự khác biệt về văn hóa, chính trị, kinh tế, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền. Sự thật về lòng “trung thành” đó, thực chất là tuyên truyền luận thuyết “dân chủ không biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” “Nhà nước toàn dân” và coi đó là chuẩn mực để thực hiện “chủ nghĩa can thiệp mới” và sẵn sàng đổi trắng thay đen những thành quả mà nhân dân ta đã đạt được trong những năm qua.         Việc một số người ca ngợi mô hình “xã hội dân sự”, “cách mạng màu”, “cách mạng hoa Hồng” ở các nước Trung Á vừa qua..., từ đó cho rằng, một “xã hội dân chủ” thực sự ở Việt Nam phải là một “xã hội dân sự” của nhân dân, lợi dụng “dân chủ” để tự do lập hội, nhóm không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, thậm chí trá hình, hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam...  Những việc làm trên có thể chứng minh rõ ràng rằng, họ đang tìm mọi phương cách nhằm kích động những phần tử phản động, bất mãn với Đảng, Nhà nước, chế độ ta; tập hợp, tạo dựng phe cánh, gây “điểm nóng” về xung đột, gây rối loạn tình hình chính trị, xã hội và khi có điều kiện thì xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thể hiện ở việc, họ viện dẫn với các màn kịch nhiều hồi, nhiều lớp, với lý do “chăm lo cho xây dựng nền dân chủ, đem lại hạnh phúc cho người dân Việt Nam,...”.        Nhân dân Việt Nam đã đi qua hai cuộc chiến tranh thần thánh để tự bảo vệ mình, tự giải phóng mình nên càng thấu hiểu thế nào là tự do độc lập, thế nào là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, đương nhiên, nhân dân Việt Nam sẽ biết nhìn nhận ai là bạn, ai là thù. Sự thật vẫn là sự thật và bản thân nó chứa đựng chân lý, không ai có thể dùng ý muốn chủ quan để áp đặt.          Còn đối với những cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng, đây là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chúng ta cũng phải đấu tranh, phê phán, làm rõ đúng - sai thông qua đối thoại, trao đổi, tọa đàm, thuyết phục trên tinh thần đồng chí, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, không đẩy họ về phía các thế lực thù địch mà cố gắng lôi kéo họ về phía chúng ta; chúng ta phê phán quan điểm sai chứ không phê phán con người, xúc phạm, đả kích cá nhân.        Đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ đường lối của Đảng, chúng ta cũng phải xem lại mình, xem lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có chỗ nào không đúng, còn khiếm khuyết cần phải sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện; những nội dung nào thực hiện chưa tốt cần phải chấn chỉnh, thực hiện tốt hơn để giải tỏa bức xúc của nhân dân và cán bộ, những nội dung nào có vấn đề hoặc chưa rõ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như vậy, sự phê phán đã chuyển thành tự phê phán, sự phê phán tiêu cực đã chuyển thành phê phán tích cực./.       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét