Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” TRONG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM HIỆN NAY

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đã nhận thức được tính tất yếu khách quan, cấp thiết của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01/1994), Đảng ta đã chính thức nêu vấn đề xây dựng “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”.
Trải qua các kỳ Đại hội Đảng, nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng được bổ sung và có những bước phát triển quan trọng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã có những bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đặc trưng cơ bản là: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, pháp luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội; nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa nhà nước và công dân, thực hành dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Những nhận thức cơ bản này là đảm bảo quan trọng cho quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đạt kết quả tích cực, tổ chức bộ máy ngày càng hoàn thiện hơn, phương thức hoạt động của Nhà nước được đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, đáng chú ý là: Sự chồng chéo trong việc phân định chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động giữa Đảng và Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật, các công cụ quản lý chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức và hoạt động còn nặng nề, chưa phân định tốt trách nhiệm, quyền hạn, sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan quyền lực; một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước chưa thật sự trong sạch, vững mạnh; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; kỷ cương xã hội bị buông lỏng ... Tất cả những hạn chế, yếu kém đó dẫn đến nguy cơ làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, đó cũng là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong bộ máy nhà nước ta xuất hiện từ hai hướng: một mặt, đó là âm mưu, thủ đoạn và hoạt động tác động chuyển hóa chính trị của các thế lực thù địch; mặt khác, đó là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính trị trong nội bộ ta. Yếu tố bên ngoài tạo điều kiện thúc đẩy yếu tố bên trong. Yếu tố bên trong tạo sự chú ý và là điều kiện thuận lợi cho yếu tố bên ngoài xâm nhập, can thiệp, chống phá nhà nước ta. Trong đó “tự chuyển hóa” từ bên trong bộ máy nhà nước là nguy hiểm nhất, khó nhận biết nhất vì nó quyết định sự thay đổi về bản chất nhà nước và chế độ chính trị. Do vậy, nếu không chủ động ngăn chặn, phòng, chống ngay từ đầu những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” thì có thể dẫn đến nguy cơ khôn lường, phá vỡ định hướng mục tiêu, mô hình xây dựng nhà nước, làm sai lệch bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước đã được xây dựng 70 năm qua. Thực tế trên đòi hỏi chúng ta phải nhận diện và kiên quyết đấu tranh phòng, chống những biểu hiện sau:
Trước hết, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" làm sai lệch nhận thức về vị trí vai trò, chức năng của nhà nước
Nguy cơ này thường được biểu hiện dưới hai thái cực, hoặc là cố tình làm lu mờ Nhà nước với tư cách là một thiết chế chính trị trung tâm có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, hoặc là đề cao vai trò toàn quyền thống trị, quyết định mọi vấn đề xã hội của nhà nước. Theo đó, làm mất nền tảng tư tưởng, quan điểm xây dựng và đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam bấy lâu nay chúng ta tìm tòi, định hướng xây dựng.
Để đấu tranh loại bỏ những biểu hiện, tác động nguy hại này, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, những thành quả xây dựng Nhà nước hơn 70 năm qua, trên cơ sở đó, đẩy mạnh đấu tranh, loại trừ sự thẩm thấu của các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch vào nội bộ, góp phần loại trừ nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước và quần chúng nhân dân.
Thứ hai, "tự diễn biến", 'tự chuyển hóa" làm sai lệch mục đích và tính hiến định của Hiến pháp, pháp luật về nguyên tắc tổ chức quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Trong vấn đề này, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể là những tư tưởng và hành động xuyên tạc, phủ nhận Hiến pháp, pháp luật, phá vỡ tính thống nhất quyền lực của Nhà nước ta, khuếch trương những hạn chế khó có thể tránh khỏi trong quá trình thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của các cơ quan công quyền của nước ta để cổ súy cho tư tưởng tam quyền phân lập của nhà nước tư sản, làm chệch hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để loại bỏ nguy cơ này, đồng thời với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng tới một nền pháp luật vững mạnh, đồng bộ, bảo đảm tính chi phối mọi mặt đời sống xã hội và tính tối thượng của Hiến pháp, pháp luật trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, nâng cao tính khả thi, tính nghiêm minh và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; thấy rõ bản chất và tính nguy hại trong cơ chế tam quyền phân lập của nhà nước tư sản, làm cơ sở loại bỏ những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch.
Thứ ba, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể làm cho cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước trở nên lỏng lẻo, thiếu trong sạch, không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ
Bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm sự thành công của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành xã hội.  "Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực này, một mặt xuất phát từ nhận thức sai lầm kết hợp với căn bệnh cá nhân chủ nghĩa và những yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ. Mặt khác, xuất phát từ mưu đồ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch nhằm gây nên những mâu thuẫn, bất ổn trong nội bộ bộ máy nhà nước, bất bình trong nhân dân và trong xã hội làm nguyên cớ để kích động quần chúng nhân dân biểu tình, chống đối, chống phá nhà nước ta.
Để phòng chống nguy cơ này, đi đôi với việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong sạch vững mạnh, cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thật sự là công bộc của nhân dân. Bên cạnh đó, phải chú trọng nâng cao khả năng “tự bảo vệ” an ninh chính trị nội bộ, nâng cao khả năng tự bảo vệ của mỗi người, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ hệ trọng, có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức, trong đó có nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách, đòi hỏi phải được quán triệt sâu sắc và thực hiện kiên quyết ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức và mỗi công dân.

2 nhận xét:

  1. Biết bệnh, biết sử dụng thuốc, ắt sâu mọt sẽ bị tiêu diệt. Với bản lĩnh, khí phách kiên trung của người cộng sản, "chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi"

    Trả lờiXóa
  2. cần phải đấu tranh ngay chính trong bản thân chúng ta

    Trả lờiXóa