Hiện nay, các thế lực thù địch đang vu khống xuyên tạc rằng: Đảng,
Nhà nước Việt Nam "đàn áp các dân tộc", vi phạm “dân chủ”, “nhân
quyền”, “chiếm đất”, “đàn áp, kìm kẹp người dân tộc thiểu số”, “vi phạm nghiêm
trọng luật pháp quốc tế”… nhằm kích động tư tưởng đòi “tự trị”, “ly khai” “chia
nhỏ”, “xé lẻ” Việt Nam.
Sự thật, chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng, Nhà nước ta lãnh
đạo, tổ chức nhân dân đấu tranh, giành độc lập, xây dựng chế độ mới, mới thực
sự đem lại độc lập, tự do, cơm no, áo ấm, cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho đồng
bào các dân tộc ở Việt Nam như hiện nay.
Sự thật, chỉ từ khi Đảng ta lãnh đạo, tổ chức nhân dân ta đấu
tranh làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi thì các tộc người và cả dân
tộc Việt Nam từ trong đêm trường nô lệ dưới ách áp bức, đô hộ của đế quốc Pháp,
mặc cảm, miệt thị, ăn hiếp lẫn nhau… mới “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trở thành
chủ nhân chân chính của đất nước. Chế độ mới đã nâng quan hệ giữa các tộc người
lên trình độ mới: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Hiến pháp năm 1946 khẳng định: "Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những
quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ
chung". Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định các dân
tộc đều là anh em, phải đoàn kết để xây dựng, bảo vệ đất nước:"Đồng bào
Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc
thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống
chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau". “Giang sơn và Chính
phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng
ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ
ta”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG. H. 2000, tr. 217-218).
Khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh
Lạng Sơn. Ảnh: internet.
Nhờ phát huy cao độ sức mạnh tất cả các dân tộc trên cơ sở quan hệ
bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, chúng ta vừa kháng
chiến, vừa kiến quốc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu,
đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà.
Hơn hai mươi năm sau, chúng ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất
nước, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đóng góp vào chiến công chung
đó có công sức của tất cả các tộc người, trong đó có các tộc người thiểu số,
tiêu biểu là hàng trăm cá nhân và đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang, hơn 300
Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người dân tộc thiểu số.
Khi đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước ta có điều kiện để quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc; xác lập quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn
trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các tộc người. Các Nghị quyết Đại hội
Đảng lần thứ IV, V, VI, được cụ thể hóa tại các Nghị quyết 22-NQTW ngày
27-11-1989 của Bộ Chính trị và Quyết định 72-HĐBT ngày 13-3-1990 của Hội đồng
Bộ trưởng đề ra chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội miền
núi. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII, IX, X, XI, đặc biệt có Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 7, Khóa IX về công tác dân tộc, đã tiếp tục đề ra các
quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về dân tộc, giải quyết vấn đề dân
tộc. Quan hệ dân tộc ở nước ta đã thu được kết quả tốt đẹp. Trong khi nhiều nước
trên thế giới như các nước Bắc Phi, Mỹ La-tinh và cả ở Đông Nam Á… xung đột sắc
tộc, chia rẽ, ly khai dân tộc xảy ra liên miên thì ở nước ta tình hình chính
trị xã hội ổn định, 54 dân tộc anh em sống bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp
nhau cùng phát triển.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vùng dân tộc
thiểu số từng bước hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch
theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP của các tỉnh miền núi luôn
đạt mức bình quân từ 8 đến 10%/năm trong suốt nhiều năm. Số hộ đói nghèo hằng
năm giảm khoảng 4-5%. Kinh tế trang trại phát triển nhanh cả về số lượng và quy
mô. Điển hình từ năm 2000 ở xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có 1.395
hộ thì đã có 20% hộ thu nhập hơn 500 triệu đồng/hộ/năm, cả xã có 30 ô tô tải,
306 máy kéo, 717 xe máy… hộ nghèo chỉ còn 5%.
Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống vùng
dân tộc được xây dựng ngày càng nhiều. Hệ thống ruộng nước, ruộng bậc thang
được mở rộng; hệ thống thủy lợi phát triển mạnh: Việt Bắc có 70-80%, Tây Bắc
60%, Tây Nguyên 90% diện tích ruộng được các công trình thủy lợi tưới nước.
Mạng lưới giao thông phát triển khá: Gần 100% xã có đường ô tô tới
trung tâm. Ngày xưa, từ Hà Nội lên Lai Châu mất 1 tháng thì nay chỉ 1 ngày; lên
Mèo Vạc, Lũng Cú cũng chỉ mất hơn 1 ngày… Đường mở đến đâu là kinh tế, văn hóa,
xã hội, an ninh quốc phòng phát triển đến đó. Đây là một thành công lớn của
Đảng, Nhà nước ta, đem lại lợi ích toàn diện cho đồng bào.
Giáo dục, đào tạo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc
được quan tâm; quy mô giáo dục tiếp tục phát triển, xã hội hóa giáo dục, đào
tạo thu được thành tựu bước đầu: 100% số xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu
học, nhà mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 90-95%; đến năm
2010, cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đời sống văn hóa
của đồng bào được nâng cao: 90% xã có điện thoại, 80% số hộ được xem truyền
hình, 90% được nghe đài phát thanh bằng tiếng các dân tộc; gần 100% xã vùng dân
tộc có nhà văn hóa, bưu điện văn hóa; văn hóa truyền thống của các dân tộc được
tôn trọng, giữ gìn và phát huy.
Việc khám, chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa được quan
tâm hơn: Gần 100% số xã có cán bộ y tế trực; 93,5% số xã có trạm y tế; hơn 95%
trẻ em được tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các loại bệnh dịch
cơ bản được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.
Hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi bước
đầu được tăng cường và củng cố. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đã có bước
trưởng thành, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp
ngày càng cao. Hàng vạn sinh viên dân tộc thiểu số được đào tạo đại học, cao
đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển. Tình hình chính trị, trật
tự xã hội vùng dân tộc cơ bản ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững (theo
Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa IX về công tác
dân tộc, ngày 29-7-2009).
Thô-mát Gian-đơn (Thomas Jandl), TS người Mỹ đã nhiều lần đến Việt
Nam, nhận xét: Việt Nam đã rất thành công và đạt nhiều tiến bộ trong giải quyết
vấn đề liên quan đến quyền con người như: Chương trình xóa đói giảm nghèo và
hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhìn vào tổng thể, có thể nói Việt Nam
đã bảo đảm tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân… Việt Nam
được thế giới biết đến như một tấm gương về tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên
niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo (xem Báo Quân đội
nhân dân ngày 13-6-2011). Tất cả những thành tựu đó đã chứng tỏ quan
hệ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các tộc người
tiếp tục được củng cố, tăng cường. Đây là thành công lớn do công cuộc Đổi mới
đem lại, mà những người mặc cảm, định kiến nhất đối với chúng ta cũng không thể
nào phủ nhận được.
Hiện nay, chúng ta càng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục củng cố
mối quan hệ dân tộc tốt đẹp hơn. Công cuộc Đổi mới đã đưa đất nước ta ra khỏi
tình trạng kém phát triển. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội đã có bước phát triển
vượt bậc, nhất là bưu chính, viễn thông, dịch vụ, giao thông. Sức mạnh về mọi
mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế
độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường
quốc tế được nâng cao. Tiềm lực, sức mạnh tổng hợp đó đã cho phép Đảng, Nhà
nước ta có điều kiện tốt hơn để quan tâm, giải quyết vấn đề dân tộc.
Tuy nhiên, vấn đề dân tộc rất đa dạng, sinh động, liên quan đến
mọi lĩnh vực đời sống xã hội, không kém phần phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu
dài. Bởi nó có nguyên nhân từ những vấn đề lịch sử để lại; do sự khác biệt về
điều kiện tự nhiên; do phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước; do sự chống phá của các thế lực thù địch và do cả những hạn chế,
thiếu sót của Đảng, Nhà nước ta... Do đó, không thể giải quyết tốt mọi vấn đề
dân tộc trong ngày một, ngày hai.
Bởi thế, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục tập trung thực hiện tốt hơn
nữa chính sách dân tộc, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân
các dân tộc, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng
lợi công cuộc đổi mới, theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét