Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

PHẢI CHĂNG CHẾ ĐỘ ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP LÀ PHÁT HUY ĐƯỢC DÂN CHỦ?

Những năm qua, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện các âm mưu, thủ đoạn nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội (CNXH) và phong trào cách mạng thế giới thông qua chiến lược “diễn biến hoà bình”. Một trong những mũi nhọn mà chúng sử dụng là bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc mô hình chính trị - xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó đặc biệt là chế độ một Đảng Cộng sản cầm quyền. Hiện nay họ đang sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới rằng chỉ có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì dân chủ mới được tôn trọng và thực hiện trên thực tế. Họ cho rằng chế độ một đảng cộng sản cầm quyền như ở các nước XHCN là hoàn toàn không có dân chủ. Điều đó đúng hay sai, để trả lời câu hỏi đó cần phải tìm hiểu và luận giải sâu kỹ mới có thể khẳng định được.
Khi nghiên cứu về dân chủ cho ta thấy, dân chủ với tư cách là hình thức chế độ chính trị của nhà nước, dân chủ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước, nên không bao giờ có một thứ dân chủ “thuần tuý chung chung”, dân chủ phi giai cấp, mà bao giờ nó cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc. Sự phát triển của các nền dân chủ chịu sự quy định trực tiếp của quá trình thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội và thông qua đấu tranh giai cấp.
Trong lịch sử nhân loại, với việc xác lập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản đã thực hiện một bước tiến vượt bậc về dân chủ bằng việc xoá bỏ chế độ thần quyền phong kiến, hình thành xã hội công dân mà ở đó quyền tự do cá nhân được thừa nhận. Nhưng, sau khi đã thiết lập được quyền thống trị của mình, giai cấp tư sản từng bước sử dụng dân chủ như một hình thức thống trị giai cấp. Sự hạn hẹp của nền dân chủ tư sản nằm ngay trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Sự phát triển của lịch sử trên nền móng của sự phát triển các lực lượng sản xuất với trình độ xã hội hoá ngày càng sâu rộng của nó tạo ra những tiền đề khách quan để phủ nhận phương thức tư bản chủ nghĩa, chấm dứt vai trò lịch sử của giai cấp tư sản. Đó cũng chính là quy luật phát triển nội tại của nền dân chủ xã hội, của bước chuyển biến lớn lao từ nền dân chủ tư sản sang dân chủ XHCN trên phạm vi toàn thế giới. Hướng đến CNXH là hướng đến một nền dân chủ tiến bộ và hoàn thiện. Cuộc đấu tranh vì CNXH là cuộc đấu tranh vì một chế độ dân chủ chân chính nhất. Dân chủ XHCN và dân chủ tư sản khác nhau về bản chất và về trình độ với tư cách là những xã hội nối tiếp nhau trong nấc thang từ thấp lên cao của xã hội loài người.
Nền dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì CNXH, cho nên nó chỉ có thể thực hiện được bằng con đường thiết lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với toàn thể xã hội thông qua đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản.
Như đã biết, đa nguyên về chính trị và đa đảng đối lập là nét đặc trưng của thể chế chính trị tư sản trên thế giới hiện nay. Nói chung, ở các nước tư bản, về hình thức thì các đảng chính trị đều “tự do”, “bình đẳng” trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền, nhưng trong thực tế thì chỉ có các đảng lớn, có thế lực, được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có khả năng chiến thắng. Mặt khác, chế độ đa đảng ở phương Tây, xét trong thực chất, cũng là dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị vì tất cả các đảng cánh hữu đều nhằm phục vụ chế độ tư bản. Đúng là cơ chế đa đảng đưa lại một số tác động tích cực nhất định cho các đảng tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo điều kiện cho họ khả năng tránh nguy cơ chuyên quyền, độc đoán. Tuy vậy, thể chế đa đảng này cũng dễ khuyến khích các lực lượng đối lập vì lợi ích cục bộ chỉ biết phản đối tất cả những gì của đảng cầm quyền, bất chấp phải- trái, đúng- sai. Hệ quả là làm xuất hiện một nền chính trị vị quyền lực và một công nghệ đấu đá chính trị trên lưng những lợi ích chính đáng của đông đảo cử tri.
Tính giai cấp của nền dân chủ tư bản phương Tây được thể hiện thông qua vị trí của tiền bạc ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong đời sống chính trị. Cái gọi là “nền dân chủ Mỹ” chỉ là nền dân chủ của nhà giàu.
Như vậy, dân chủ hay không dân chủ  không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong từng thời điểm cụ thể, nhà nước nói riêng và xã hội nói chung đều phải do một đảng lãnh đạo. Có hay không có dân chủ, dân chủ được thực hiện ở trình độ cao hay thấp, tất cả phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít các đảng phái chính trị.
Trong các nước XHCN, Đảng Cộng sản là tổ chức thực hiện sự thống trị của giai cấp vô sản, cho nên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với hệ thống chính trị là điều đương nhiên. Điều đó được thể hiện ở đường lối, chính sách của Đảng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội  sẽ được thể chế hoá trong toàn bộ Hiến pháp và pháp luật. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và phát triển của nhà nước XHCN.
Ở Việt Nam, thực hiện dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất, là quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ khi ra đời đến nay, Đảng là nhân tố đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không phải là ý chí chủ quan về chính trị mà là một tất yếu khách quan của lịch sử. Mọi mưu toan hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản là trái với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam không có sự cần thiết khách quan cho việc hình thành chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Ngoài Đảng Cộng sản, không một đảng phái hoặc một lực lượng chính trị nào có thể đưa ra được cương lĩnh, đường lối cho cách mạng Việt Nam, có thể đồng thời giải quyết hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và CNXH.
Để thực hành dân chủ rộng rãi, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ đã là một sản phẩm thực tế và đang trên đà phát triển với các thành tựu của sự nghiệp đổi mới. Ngày nay, dân chủ đã được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tư tưởng... Đó là các quyền sử dụng tư liệu sản xuất, có công ăn việc làm, quyền học tập và hưởng thụ văn hóa, quyền tham gia quản lý nhà nước, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và cơ quan Nhà nước, quyền đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật, bày tỏ ý kiến về các hiện tượng tích cực và tiêu cực trong đời sống xã hội. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét