Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

PHẢI CHĂNG TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN KHÔNG CÒN SỨ MỆNH LỊCH SỬ?

Nhằm phủ nhận học thuyết Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, các thế lực thù địch cho rằng, giai cấp công nhân đã “teo đi”, đã “tan biến” vào các giai tầng xã hội khác; địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân đã thay đổi nhiều, giai cấp này đã “trung lưu hoá”, thậm chí trở thành “nhà tư bản” khi đã có cổ phiếu trong các xí nghiệp, công ty.
Thực tế chứng minh rằng, quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa dù có mở rộng và hiện đại hoá đến đâu, những hình thức của nó có thay đổi thế nào chăng nữa thì nó vẫn không ngừng tái sinh ra quan hệ tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong lòng chế độ tư bản đang diễn ra hết sức gay gắt. Giai cấp tư sản đã và đang tìm mọi cách để điều chỉnh các quan hệ tư bản chủ nghĩa hòng cứu vãn chế độ thống trị của chúng. Chúng có thể đạt được một số thành tựu và kết quả nào đấy nhưng vẫn không sao khắc phục được mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản. Ở nơi này hay nơi khác, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn còn khả năng phát triển, nhưng phải thường xuyên đương đầu với các cuộc khủng hoảng nặng nề, với nhiều cơn suy thoái và nạn thất nghiệp thường xuyên không tránh khỏi của hàng chục triệu người. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tuy đang đứng trước những thử thách hết sức nặng nề, nhưng bức tranh toàn cảnh của sự phát triển lực lượng sản xuất thế giới vẫn đang chuẩn bị những tiền đề khách quan cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình dù có trải qua những bước thăng trầm, quanh co, nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra theo quy luật khách quan của lịch sử. Đặc điểm lớn nhất của thời đại hiện nay là giai cấp công nhân đã, đang và sẽ vươn lên nắm quyền lực nhà nước bằng nhiều con đường khác nhau. Bởi lẽ, nó là giai cấp duy nhất đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, cho phương thức sản xuất tiên tiến. Giai cấp công nhân là người đại diện cho lợi ích và quyền lực của nhân dân, của nhân loại tiến bộ.
Phải chăng, hiện nay trong các nước tư bản phát triển, giai cấp công nhân không còn bị bóc lột như trước, đã “trung lưu hoá” và có cổ phần trong xí nghiệp, cho nên giai cấp công nhân không có tinh thần cách mạng như trước, không còn có thể đóng vai trò lãnh đạo cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản?
           Đúng là hiện nay, việc thực hiện cổ phần hóa ở các nước tư bản phát triển đang diễn ra với quy mô ngày càng rộng khắp. Người lao động có thể mua cổ phiếu ở xí nghiệp, công ty cổ phần nào đó với hy vọng thu lợi tức cổ phần và lãi vốn. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, việc bán cổ phiếu cho công nhân không những không động chạm đến quyền lợi của giới chủ, mà trái lại càng làm tăng thêm quyền lực kinh tế cho bọn tư bản. Một chủ tư bản không cần một số lượng tư bản lớn cũng có thể chi phối cả công ty, hoặc nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hết sức lớn. Bán cổ phiếu cho ngưòi lao động chỉ diễn ra trong chừng mực không tổn hại đến quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đến lợi ích của giới chủ. Khi đã có cổ phiếu, dù người công nhân có được những quyền lợi nhất định gắn với tình hình sản xuất của công ty và lợi tức do kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đem lại, nhưng thực chất nguồn lợi nhuận ấy chẳng qua là một phần giá trị thặng dư do chính công nhân làm ra, chứ không phải bớt đi giá trị thặng dư mà giới chủ tư bản đã bỏ túi. Vậy là, người công nhân không phải đã trở thành “nhà tư bản” theo cái cách người ta nói, mà là “thành nhà tư bản đối với chính mình”. Như vậy, công nhân hiện nay dù có cổ phiếu với giá trị cao hơn trước cũng chẳng vì thế mà thay đổi địa vị làm thuê và bị bóc lột trong xã hộỉ tư bản. Chế độ cổ phiếu thật sự là phương pháp hữu hiệu cột chật người lao động và bắt họ lệ thuộc hơn nữa vào giới chủ. Hy vọng thay đổi địa vị người lao động trở thành người chủ thật sự ở các nước tư bản chủ nghĩa, do đó chỉ là ảo tưởng, hoặc đó là hành động tự lừa đối mà thôi. Việc mua bán cổ phiếu ở các nước tư bản đã tạo nên cái gọi là “hiệu ứng của cải”, làm cho tình hình mua đi bán lại các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngày càng trở nên nhộn nhịp, làm cho tư bản giả sẽ ngày càng tăng lên so với tư bản thực tế và càng nói lên tính chất ăn bám của chủ nghĩa tư bản độc quyền, chứ chẳng phải chủ nghĩa tư bản đã là “chủ nghĩa tư bản nhân dân” như người ta cố tình tô vẽ.
Giai cấp công nhân nếu đã trở nên “trung lưu hoá”, thì cái sự “trung lưu hoá” ấy là sự phản ánh mức sống của họ trong điều kiện mới chứ không phải làm thay đổi bản chất cách mạng của giai cấp công nhân; đó là do tiến bộ chung của sự phát triển xã hội và là kết quả đấu tranh, liên tục, bền bỉ của chính giai cấp công nhân trong đấu tranh chống giai cấp tư sản suốt nhiều thế kỷ qua. Sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội, cũng như sự biến đổi cơ cấu xã hội, mức sống cao về vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân làm cho diện mạo của giai cấp công nhân hiện đại trong xã hội tư bản không còn giống như những mô tả của C.Mác trong thế kỷ XIX. Đó là sự thật. Thế nhưng, từ những biến đổi đó mà đi đến kết luận giai cấp công nhân không còn bản chất cách mạng, không thể giữ vai trò lãnh đạo, thực hiện sứ mệnh lịch sử nữa thì đó là sai  lầm cả về chính trị và khoa học.
Lại có quan điểm cho rằng thời đại ngày nay là thời đại của nền “văn minh trí tuệ”, của “kinh tế tri thức”, do đó trí thức mới là lực lượng tiên phong, có vai trò lãnh đạo cách mạng!
Đúng là trí thức có vai trò quan trọng trong mọi thời đại. Trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, vai trò trí thức ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Song, trí thức không thể đóng vai trò lãnh đạo thay thế giai cấp công nhân. Bởi lẽ: Trong xã hội, trí thức chỉ là một tầng lớp xã hội đặc biệt và không thuần nhất. Nó không đại biểu cho một phương thức sản xuất độc lập, không phải là một lực lượng kinh tế, chính trị độc lập trước các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. Do đó, trí thức không có hệ tư tưởng riêng. Nó phải phục tùng và chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng của giai cấp nào thống trị xã hội. Do địa vị kinh tế - xã hội của nó, trí thức không thể là người lãnh đạo cách mạng; mặc dù tất cả các giai cấp thống trị trong lịch sử đều cần đến trí thức và đào tạo ra một đội ngũ trí thức của mình để thực hiện vai trò của nó đối với xã hội. Mặt khác, trí thức không có lợi ích đối kháng trực tiếp với giai cấp tư sản. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, trí thức cũng là người làm thuê và bị bóc lột, nhưng lại là tầng lớp làm thuê đặc biệt, được giai cấp tư sản đào tạo, sử dụng và có một bộ phận được chế độ tư bản ưu đãi. Trí thức không phải là tầng lớp xã hội có tinh thần cách mạng triệt để như giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Thực tế lịch sử cho thấy chưa bao giờ có một tầng lớp trí thức nào có thể thay thế một giai cấp để lãnh đạo một cuộc cách mạng xã hội nhằm thay thế chế độ này bằng một chế độ xã hội khác. Trí thức bao giờ cũng là trí thức của một giai cấp nhất định và thường là của giai cấp thống trị xã hội.
Cần nhắc lại luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, mà nó còn tạo ra nhũng người sử dụng vũ khí ấy - những công nhân hiện đại, những người vô sản”[1]. Luận điểm nổi tiếng đó càng trở nên có ý nghĩa trong điều kiện lịch sử mới. Chủ nghĩa tư bản đang điều chỉnh là đang làm cái việc rèn giũa vũ khí sẽ giết mình thêm sắc nhọn hơn; những người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản - giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn sứ mệnh lịch sử của mình là loại bỏ chủ nghĩa tư bản ra khỏi đời sống xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản văn minh; xác định rõ hơn con đường, biện pháp để thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại đó./.


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.605.

2 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay! thật vậy, trong thời đại hiện nay, mặc dù cơ cấu xã hội và cơ cấu giai cấp có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Nhưng giai cấp công nhân vẫn là giai cấp duy nhất đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, cho phương thức sản xuất tiên tiến, đồng thời, là người đại diện cho lợi ích và quyền lực của nhân dân, của nhân loại tiến bộ.

    Trả lờiXóa
  2. Rất đồng tình với ý kiến của bạn. Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng giai cấp công nhân Việt Nam vẫn là gc tiên phong trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nhưng thành tựu 30 năm đổi mới đã minh chứng điều đó.

    Trả lờiXóa