Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

NHẬN DIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐÒI “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

Nếu như trước đây, các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa” quân đội, công an thông qua đòi hỏi trực diện là xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, công an, thì gần đây có những biến thể mới về nội dung. Cụ thể như:

Dựa vào chính các nội dung lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, công an để xuyên tạc, bịa đặt. Chẳng hạn, mục tiêu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó một số lực lượng, quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại thì chúng “bẻ lái” sang xây dựng “quân đội hiện đại, quân đội nhà nghề”. Từ đó cho rằng “không có quân đội nhà nghề nào lại do một đảng chính trị lãnh đạo”.

Dựa vào chính sách tuyển quân, tuyển công an của Đảng, Nhà nước ta để tung ra luận điệu cho rằng “quân đội, công an là của nhân dân, của mọi người dân yêu nước” để phá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội, công an; phá hoại bản chất giai cấp của quân đội, công an.

Tuyên truyền, kích động, gây mất đoàn kết giữa quân đội với công an, gây mất đoàn kết trong nội bộ hai lực lượng này. Đặc biệt, chúng phao tin, đồn nhảm về các tướng lĩnh, cán bộ cấp cao trong lực lượng vũ trang (LLVT); cho rằng “có tham nhũng ghê gớm” trong quân đội, công an; từ đó gây tâm lý hoang mang, dao động trong cán bộ, chiến sĩ hòng làm suy giảm sức mạnh, sức chiến đấu của quân đội, công an. Những vụ việc tiêu cực trong quân đội, công an được xử lý, thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật thì chúng cho rằng, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Xuyên tạc về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Cho rằng, đây là những hoạt động tốn kém, không thiết thực đối với xây dựng sức mạnh của lực lượng vũ trang; chia rẽ, gây sự phân biệt giữa các cán bộ chính trị với đội ngũ cán bộ trong lực lượng vũ trang.

Bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh người chiến sĩ công an; truyền bá lối sống thực dụng, chạy theo vật chất trong bộ đội, công an; kích động, lôi kéo một số cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ sa vào lối sống sa đọa, hưởng thụ, không còn lý tưởng vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Các thế lực thù địch đã sử dụng kết hợp nhiều phương tiện truyền thông (sách, băng đĩa, truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử) cùng với mạng xã hội để phát tán thông tin. Một số cơ quan báo chí của nước ngoài như RFA, RFI, BBC, VOA... thường xuyên đăng, phát các dạng bài tuyên truyền đầu độc nêu trên và đăng kèm phụ đề “bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả”. Hằng năm, vào dịp các ngày lễ lớn của đất nước hoặc các sự kiện chính trị quan trọng (như Đại hội Đảng bộ Quân đội, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng) thì các hoạt động tuyên truyền, vận động đòi “phi chính trị hóa” quân đội, công an lại được tổ chức rầm rộ như một chiến dịch truyền thông.

Thực tiễn “phi chính trị hóa” quân đội diễn ra ở Liên Xô cho thấy, nếu xa rời những vấn đề nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội cách mạng thì sự rệu rã của quân đội, dẫn đến sự sụp đổ chế độ XHCN sẽ hết sức nhanh chóng. Liên Xô bắt đầu “phi chính trị hóa” quân đội từ năm 1987, và chỉ 4 năm sau thì Liên Xô tan rã. Đầu tiên là việc Đảng Cộng sản Liên Xô tự xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội. Chỉ trong khoảng 2 năm (1987-1989), gần 50% cán bộ chiến lược của quân đội, 30% tướng lĩnh bị “về vườn”. Hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch - chiến lược bị cách chức với lý do “không ủng hộ cải tổ”. Năm 1990, Đại hội bất thường của Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp tục xiết thêm sợi dây thòng lọng vào cổ mình với việc từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội đã ghi trong Hiến pháp, chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Chỉ đợi có thế, tháng 7/1991, Tổng thống Liên bang Nga ra sắc lệnh “phi đảng hóa” và cấm các đảng chính trị hoạt động trong các cơ quan nhà nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô ra lệnh buộc mọi quân nhân là đảng viên cộng sản phải trả thẻ đảng... Bi kịch “phi chính trị hóa” xảy ra đã khiến Quân đội Xô Viết, một quân đội hùng mạnh từng đánh bại chủ nghĩa phát xít, với gần 4 triệu quân thường trực, vũ khí trang bị rất hiện đại bỗng chốc mất phương hướng chiến đấu, không biết phải bảo vệ mục tiêu nào trong “thảm họa chính trị” tháng 8/1991 dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Bài học rút ra từ quá trình “phi chính trị hóa” Quân đội Xô Viết càng giúp chúng ta hiểu hơn lời dạy của V.I.Lênin: Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, “quân đội không thể và không nên trung lập”.


2 nhận xét:

  1. Hiện nay, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của họ là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.

    Trả lờiXóa
  2. Để đấu tranh chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” chúng ta phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hoà bình” của kẻ thù trên tất cả các lĩnh vực.

    Trả lờiXóa