Phiên chất vấn diễn ra ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm
kỳ khóa XIV trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Có sự trao đổi,
tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Các ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt
câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính
phủ, các vị trưởng ngành đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn
chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc
phục.
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Có thể coi đây như là bước đầu
tổng kết, đánh giá cuối nhiệm kỳ đối với hoạt động giám sát của Quốc hội (QH). Chất vấn và
trả lời chất vấn tại phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm của QH, các cơ
quan của QH, các vị ĐBQH trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung
được cử tri và nhân dân quan tâm mà đã được QH giám sát, ra nghị quyết yêu cầu
thực hiện”.
Chất vấn chỉ là một trong rất nhiều hoạt động giám sát
của QH. Theo Luật Hoạt động giám sát của QH và hội đồng nhân dân (HĐND) thì
giám sát là hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan,
tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”, “xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu,
kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”.
Giám sát của QH bao gồm giám sát tối cao và giám sát
chuyên đề của QH, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân
tộc, các ủy ban của QH, đoàn ĐBQH và các ĐBQH.
Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; giám sát tối cao văn
bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giám sát tối cao nghị
quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đoàn ĐBQH tổ chức hoạt động giám sát của đoàn và tổ chức
ĐBQH trong đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia giám sát với
đoàn giám sát của QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH tại địa
phương. Ngoài hoạt động giám sát tối cao, QH còn có chức năng, nhiệm vụ xem xét
báo cáo giám sát chuyên đề, xem xét báo cáo của ủy ban lâm thời, lấy phiếu tín
nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn;
xem xét báo cáo của UBTVQH về kiến nghị giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc,
các ủy ban của QH, đoàn ĐBQH và ĐBQH...
Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ này, hoạt
động giám sát của QH đã có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực. QH đã
ban hành nhiều nghị quyết sau hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề với những
nội dung xác đáng, thiết thực. Về cơ bản, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao,
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát
khác đã nghiêm túc, có giải pháp phù hợp, nỗ lực chỉ đạo việc thực hiện có hiệu
quả các nghị quyết của QH, UBTVQH và báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của
QH, UBTVQH. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH đã tiến hành thẩm tra các báo
cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát về việc thực hiện nghị quyết về
giám sát để tham mưu cho QH, UBTVQH xem xét, đánh giá việc thực hiện nghị quyết.
Mặc dù còn có những vấn đề chưa thực hiện đầy đủ nhưng về tổng thể đã tạo sự
chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực có sự chuyển biến mạnh mẽ, được QH và cử
tri ghi nhận, đánh giá cao.
Cùng với hoạt động chất vấn, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn là hình thức giám sát đặc biệt quan trọng của QH. Cho đến nay, QH đã trải qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm (tại nhiệm kỳ khóa XIII và nhiệm kỳ khóa XIV). Kết quả mức độ tín nhiệm của từng chức danh đã phản ánh chân thực, khách quan ý chí của QH trong việc đánh giá năng lực, phẩm chất, việc hoàn thành nhiệm vụ đối với người được QH bầu, phê chuẩn. Kết quả này giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được trách nhiệm của mình rõ hơn để có phương hướng khắc phục các khuyết điểm, thiếu sót, phấn đấu rèn luyện nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức trách, quyền hạn được giao, tạo chuyển biến rõ nét trong ngành, lĩnh vực được giao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, kịp thời để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát, được dư luận xã hội đánh giá cao. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành lần đầu lấy phiếu có kết quả thấp, nhưng sau đó đặt quyết tâm chính trị cao hơn, tạo sự thay đổi rõ nét trong lĩnh vực phụ trách, được ĐBQH và cử tri ghi nhận, đánh giá đúng mức.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóaKết quả mức độ tín nhiệm của từng chức danh đã phản ánh chân thực, khách quan ý chí của QH trong việc đánh giá năng lực, phẩm chất, việc hoàn thành nhiệm vụ đối với người được QH bầu, phê chuẩn.
Trả lờiXóa