Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời hiệu triệu
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân khắp mọi miền đất nước đã nô nức tham gia vào
cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đó là một ngày trọng đại của đất nước, khi người dân lần
đầu tiên được bỏ phiếu chọn ra người đại diện cho mình. Đó là một ngày chưa có
tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Trước Tổng tuyển cử 1 tuần, ngày 31/12/1945, Chủ
tịch Hồ Chí Minh viết bài đăng trên báo Cứu quốc, số 130. Người kêu gọi: Tổng
tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có
đức, để gánh vác công việc nhà nước. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn
lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu
cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái,
hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu
ra Quốc hội, Quốc hội bầu ra Chính phủ, Chính phủ đó thật sự là Chính phủ của
toàn dân.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đánh dấu bước trưởng
thành mang tính bước ngoặt của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới,
thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, từ đó có một một
bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền đại diện cho nhân dân Việt
Nam về đối nội, đối ngoại.
Cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi đã đưa đến xây dựng bản
Hiến pháp đầu tiên của đất nước. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà
nước, các quy định của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện hệ thống
pháp luật đồng bộ, thống nhất; đồng thời là cơ sở cho việc tổ chức, hoạt động của
bộ máy nhà nước.
Sau khi Tổng tuyển cử thành công, ngày 2/3/1946, Quốc
hội đã nghe Chính phủ trình bày bản dự thảo Hiến pháp. Trên cơ sở đó, Quốc hội
(Khoá I, Kỳ họp thứ Nhất) đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người là đại
biểu của nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Ngày 28/10/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I
khai mạc. Ngày 9/11/1946, sau hơn mười ngày làm việc khẩn trương, Quốc hội đã
thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với sự nhất
trí của 240/242 đại biểu dự họp.
Như vậy là trong một thời gian rất ngắn, hai việc cực
kỳ hệ trọng đều đã hoàn thành: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và xây dựng, thông
qua Hiến pháp đầu tiên của đất nước.
Năm 1945, tháng 8 Mùa Thu, với cuộc cách mạng long trời
lở đất người Việt Nam giành độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi. Đầu năm
1946, người Việt Nam bầu ra Quốc hội của mình và Quốc hội đã quyết định bản Hiến
pháp đầu tiên của đất nước. Những công việc cực kỳ lớn lao và hệ trọng ấy được
thực hiện trong một thời gian rất ngắn, nhưng chính là nền tảng cơ bản, vững chắc
để một lần nữa toàn quốc kháng chiến, quyết gìn giữ độc lập, ngày 19/12/1946.
Ngày 30/12/2020, dự họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng
tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam và tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV
(2016-2021) của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, một sự kiện trọng
đại đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển
về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Đó
là Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trải qua 75 năm
với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện
có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp
luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách
nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng
của nhân dân.
Thật vui mừng khi chất lượng các vị đại biểu Quốc hội
ngày càng cao, bản lĩnh của các vị đại biểu dân cử cũng được thể hiện sắc nét, đặc
biệt rõ tại các phiên chất vấn - trả lời chất vấn của các kỳ họp Quốc hội gần đây.
Qua các vị đại biểu Quốc hội, hầu hết những vấn đề người dân quan tâm, mong đợi
đều đã được vang lên trên Nghị trường. Điều đó cho thấy tính dân chủ của Quốc hội,
trí tuệ cũng như bản lĩnh, trách nhiệm của những người đại diện cho dân. Những
việc trọng đại của đất nước hay là những việc rất cụ thể trong cuộc sống hàng
ngày của người dân cũng đều được các vị đại biểu Quốc hội phản ánh, kiến nghị.
Mỗi kỳ họp Quốc hội, mỗi ngày họp Quốc hội đều được người dân cả nước trông đợi,
hy vọng.
Điều đó có được bắt nguồn từ sự tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam 75 năm qua, mà khởi nguồn là từ Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 6/1/1946. Những ngày này, khi đất nước kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử, càng thấy giá trị lịch sử vĩ đại Quốc hội đầu tiên của đất nước. Đó chính là nền tảng, là bệ phóng để các thế hệ nối tiếp tiếp tục làm tròn trách nhiệm đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân vì mục đích cao cả: Xây dựng đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóaNhững ngày này, khi đất nước kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử, càng thấy giá trị lịch sử vĩ đại Quốc hội đầu tiên của đất nước.
Trả lờiXóa