Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

NGHIÊN CỨU VỀ DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN PHẢI TRỞ THÀNH NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU CẤP QUỐC GIA

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 chỉ rõ: Cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về Dân số và Phát triển, đưa nội dung này là một trong những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp quốc gia.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ: "Đẩy mạnh nghiên cứu về Dân số và Phát triển, nhất là các vấn đề mới và trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch hóa phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phát triển mạng lưới nghiên cứu về Dân số và Phát triển".

Ngày 28/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch "Nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển đến năm 2030". Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm tăng cường tiềm lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực trình độ nghiên cứu chuyên sâu, đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu toàn diện về Dân số và Phát triển để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nêu cụ thể và nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về Dân số và Phát triển, đưa nội dung này là một trong những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp quốc gia.

Hiện nay, các thách thức cần vượt qua là mức sinh giữa các vùng, miền còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức nghiêm trọng; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp… Do đó, nội dung nghiên cứu cần giải quyết đồng bộ các vấn đề này, tập trung làm rõ mối quan hệ có tính quy luật giữa động thái dân số (sự thay đổi về quy mô, cơ cấu, phân bố dân số) với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, ưu tiên các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bổ và lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với những vấn đề ưu tiên, trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ về dân số.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng nhấn mạnh, cần hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số đáp ứng yêu cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời tình hình và dự báo dân số phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng, thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xã hội. 

Như vậy, cần phải hình thành mạng lưới liên kết các cơ sở nghiên cứu, hình thành cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học dùng chung về dân số và phát triển. Tổ chức mạng lưới thu thập thông tin, số liệu dân số theo hướng hiện đại, có sự phân công cụ thể các ngành, các cấp trong lĩnh vực này. Đẩy nhanh triển khai thực hiện đăng ký dân số và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thống nhất dùng chung, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và quản lý xã hội. Kiện toàn mạng lưới thu thập, cập nhật thông tin số liệu chuyên ngành dân số gắn với đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số các cấp.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý, phân tích, lưu trữ thông tin số liệu về dân số bảo đảm tính tương thích, khả năng tích hợp, chia sẻ và kết nối các dữ liệu chuyên ngành. Từng bước tiếp cận, tương thích với các hệ thống dữ liệu dân số thông dụng trên thế giới./.

2 nhận xét:

  1. Phải có chiến lược về dân số để phát triển đất nước

    Trả lờiXóa
  2. Cần phải hình thành mạng lưới liên kết các cơ sở nghiên cứu, hình thành cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học dùng chung về dân số và phát triển

    Trả lờiXóa