Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và HĐND năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của QH. So với Luật Hoạt động giám sát của QH năm 2003, luật hiện hành đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là “giám sát của QH, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước”. Đây là điều mới được bổ sung nhằm làm rõ tính chất giám sát của QH, HĐND; làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động giám sát của QH và các cơ quan của QH, đoàn ĐBQH và ĐBQH; giữa HĐND, thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND trong việc bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát.

Nhằm bảo đảm cho kiến nghị giám sát có tính hiệu quả và khả thi cao hơn trên thực tiễn, luật bổ sung quy định về trình tự, thủ tục QH xem xét đối với kiến nghị giám sát của cơ quan của QH, đoàn ĐBQH, ĐBQH; UBTVQH xem xét đối với kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, đoàn ĐBQH và ĐBQH trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kiến nghị giám sát của các chủ thể này. Luật cũng quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị giám sát đối với từng hoạt động giám sát để ĐBQH chất vấn tại kỳ họp QH và phiên họp UBTVQH, cách thức xác định số lượng ĐBQH cần thiết kiến nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Bổ sung quy định về việc giám sát của đoàn ĐBQH và của ĐBQH trong việc thi hành pháp luật ở địa phương để phù hợp với vị trí, tính chất giám sát của từng chủ thể.

Cùng với hoạt động lập pháp, QH đặc biệt quan tâm đến giám sát việc thực hiện hiến pháp, pháp luật. Sự giám sát của QH không chỉ bảo đảm cho việc thực hiện đúng đắn, đầy đủ các quy định của hiến pháp, pháp luật trong thực tiễn mà còn kịp thời phát hiện bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế. Để thực hiện tốt nội dung nói trên, ngày 26-3-2020, UBTVQH đã ban hành Kế hoạch số 519/KH-UBTVQH14 về việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Ngay sau khi UBTVQH ban hành kế hoạch, các cơ quan của QH đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Tại Phiên họp thứ 48 (tháng 9-2020), lần đầu tiên UBTVQH nghe báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của các ủy ban của QH về nội dung này. Các cơ quan của QH cũng đã chủ động đưa vào chương trình công tác hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.

75 năm qua, QH Việt Nam luôn làm tròn trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quyền lực giám sát của QH là thực chất. Cử tri cả nước hãy cảnh giác trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc hoạt động giám sát của QH. Các ĐBQH cũng cần tỉnh táo trước những thông tin sai lệch. Bên cạnh phẩm chất và năng lực cần thiết, ĐBQH cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, theo sát vấn đề giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng giám sát một cách thường xuyên. Khi các kết luận giám sát chưa được thực hiện, ĐBQH cần kiên quyết phản ánh trước nghị trường, truy đến cùng vấn đề chưa thực hiện tốt để tạo chuyển biến thực sự trong thực tế và kiên quyết đấu tranh với những hành vi xuyên tạc hoạt động giám sát của QH.

2 nhận xét:

  1. Bên cạnh phẩm chất và năng lực cần thiết, ĐBQH cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, theo sát vấn đề giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng giám sát một cách thường xuyên.

    Trả lờiXóa