Nếu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trong phần II “Mục
tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020”, Đại hội đề ra mục
tiêu, nhiệm vụ “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người” (phần VII) thì trong Dự
thảo Báo cáo chính trị (BCCT) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XII (Dự thảo), tại mục II “Tầm nhìn và định hướng phát triển”, trong đó tại
phần VII, đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức
mạnh con người Việt Nam”.
Như vậy, so với tiêu đề tại phần VII, mục II giữa hai
BCCT có sự thay đổi không chỉ về mặt câu chữ mà còn có sự bổ sung quan điểm,
tư duy phát triển văn hóa. Từ “phát triển” được thay bằng từ “phát
huy”. Không chỉ xây dựng, phát triển văn hóa, con người nói chung Dự thảo lần
này nhấn mạnh vào việc phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt
Nam. Điều này phù hợp với chủ đề Đại hội “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất
nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh
thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa
thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
và bối cảnh, tình hình đất nước trước những yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết đang đặt
ra.
Nếu như trước đây, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn
hóa hướng đến mục tiêu gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc dân tộc độc đáo với
không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng, phát triển văn hóa để
chấn hưng sự xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa được xem là nền tảng tinh thần,
là mục tiêu, động lực của sự phát triển; thì hiện nay, bên cạnh những sứ mệnh,
mục tiêu đó, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn, vai trò, chức
năng của văn hóa được xem xét ở nhiều chiều cạnh, góc độ với mối tương quan với
các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, phát triển con người. Trong mối quan hệ
với kinh tế, văn hóa được xem là nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm” (thuật
ngữ lần đầu tiên xuất hiện trong Dự thảo) để thúc đẩy quá trình phát triển
nhanh và bền vững đất nước.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản
ngày càng cạn kiệt thì việc phát huy nguồn lực văn hóa, con người có ý nghĩa
quan trọng, bởi đây là nguồn “tài nguyên” đặc biệt có thể tái tạo và không ngừng
tạo ra những sản phẩm mới có giá trị với hàm lượng trí tuệ cao. Việt Nam có nguồn
tài nguyên văn hóa dồi dào kết tinh ở trí tuệ, phẩm chất, tài năng, sức sáng tạo
của các thế hệ trong lịch sử
Để gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa, gắn văn hóa với
phát triển kinh tế thông qua đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, Dự thảo nhấn
mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chính sách phát triển văn hóa
trong hiện tại và những năm tiếp theo là: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển
du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Dự thảo nhấn
mạnh và khẳng định quan điểm phát triển ngành công nghiệp văn hóa (một quan điểm
mới về văn hóa được đề ra tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI năm 2014 với yêu cầu
mới đặt ra, đó là “khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm
ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát
huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá
trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Như vậy, để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị, tiềm năng, thế mạnh của văn
hóa Việt Nam cần thực hiện tốt mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa với
phát triển kinh tế, gắn văn hóa với phát triển du lịch, dịch vụ cũng như giới
thiệu, quảng bá văn hóa ra thế giới thông qua những sản phẩm của ngành công
nghiệp văn hóa. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần được
thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả trong bối cảnh hiện nay nhằm gia tăng “sức
mạnh mềm” văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh nhiệm vụ, mục tiêu phát huy giá trị văn
hóa Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Dự thảo cũng
đặc biệt nhấn mạnh quan điểm nhất quán phải “gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các
thế hệ mai sau”, đảm bảo sự phát triển bền vững mang tính liên tục, lâu dài.
Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam cường
thịnh hay như mong ước, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng lại đất
nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “xứng đáng với các cường quốc, năm châu”,
việc khơi dậy ý chí, tinh thần, truyền thống văn hóa và sức mạnh con người Việt
Nam được xem là một mệnh lệnh thiêng liêng, là tiếng gọi giục giã, thôi thúc của
Đảng, Nhà nước với mỗi người, phải ý thức rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của bản
thân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là một nội
dung quan trọng trong chủ đề Đại hội và cũng là mục tiêu, sứ mệnh của nhiệm kỳ
Đại hội lần thứ XIII.
Việc khơi dậy khát vọng phát triển được đặt ra như một
yêu cầu cấp thiết, trong đó vai trò của văn hóa không chỉ là “chất xúc tác” mà
phải là “ngọn đuốc soi đường”, cổ vũ, động viên, khơi dậy lòng yêu nước nồng
nàn của mỗi người dân, khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm;
khuyến khích tinh thần sáng tạo, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, truyền thống
hiếu học, đức tính cần cù, chịu khó, siêng năng, nỗ lực cố gắng vượt qua khó
khăn, thử thách của người Việt để viết lên những trang sử mới cho dân tộc.
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hiện nay,
truyền thống, sức mạnh văn hóa cần được khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa để
đất nước phát triển nhanh và bền vững. Văn hóa phải góp phần duy trì sự ổn định
xã hội, điều tiết các mối quan hệ, giảm bớt những xung đột bất đồng; là điểm tựa
tinh thần, là mục tiêu, là khát vọng cao đẹp mà con người muốn vươn tới, bởi bản
chất của văn hóa là nhân văn, hướng thiện, hướng con người đến những giá trị
cao quý.
Vì thế, để khẳng định và phát huy vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Dự thảo đề ra nhiệm vụ, cần “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đây là một trong những nội dung mới trong công tác phát triển văn hóa. Việc nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa dân tộc có ý nghĩa quan trọng, bởi trong văn hóa, giá trị là sự kết tinh những gì tinh túy nhất, được hình thành trong lịch sử, được thời gian kiểm nghiệm, chứng minh, được nhân dân tôn thờ, là niềm khát khao vươn đến của mỗi người. Khi xác định và xây dựng được hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa dân tộc sẽ góp phần định hướng, giáo dục, điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của con người theo hướng tiến bộ, tích cực.
Mỗi kỳ Đại hội Đảng chúng ta lại có rất nhiều điểm nhấn để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ
Trả lờiXóa