Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

SỰ MÂU THUẪN CỦA MỘT ÂM MƯU THÂM ĐỘC

Trong những luận điệu chống phá mà các thế lực thù địch, phản động thực hiện trước thềm Đại hội XIII của Đảng ta, thì luận điệu “Đại hội XIII cần bỏ cụm từ “nền tảng tư tưởng”, cứ lý thuyết nào đúng thì theo” là một ví dụ về âm mưu thâm độc của chúng.

1. Trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại, sự đấu tranh, va đập, xung đột giữa các trào lưu tư tưởng, ý thức hệ, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng…luôn xuất hiện và có diễn biến phức tạp, nhất là từ khi chủ nghĩa tư bản (CNTB) ra đời cho đến nay. Tùy theo đặc điểm, mức độ khác nhau, có thể nói, cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội (CNXH) là cuộc đấu tranh dai dẳng, lâu dài, quyết liệt nhất. 

Nhìn lại sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, sự khó khăn của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có nguyên nhân quan trọng từ sự chống phá về tư tưởng, ý thức hệ của các thế lực cơ hội, thù địch.

Ở Việt Nam, sự chống phá của các thế lực thù địch diễn ra từ trước khi  Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời, bằng sự đàn áp của chế độ thực dân với các phong trào yêu nước, các cá nhân có tư tưởng tiến bộ. Khát vọng giành độc lập dân tộc, đưa nhân dân, đất nước thoát khỏi ách đô hộ thực dân, thoát khỏi đói nghèo cũng là một trong những nguyên nhân ra đời một chính Đảng kiểu mới - Chính Đảng của giai cấp công nhân, lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành độc lập và đi lên CNXH. 

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết lắm, chỉ có chủ nghĩa Lênin là chắc chắn nhất, cách mạng nhất. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam, không chỉ là cuộc kháng chiến giành độc lập của một dân tộc đánh đuổi đế quốc, thực dân xâm lược mà còn là cuộc đấu tranh về ý thức hệ giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Trong suốt 30 năm từ khi Nhà nước công nông non trẻ đầu tiên ra đời, cho đến khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đánh Pháp, đuổi Nhật và chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa CNXH và CNTB diễn ra ở Việt Nam lúc này, không chỉ là cuộc đấu tranh trên chiến trường với súng đạn, các phương tiện chiến tranh hủy diệt của kẻ thù xâm lược, sự hy sinh xương máu của hàng triệu người, mà còn là cuộc chiến tranh tổng lực, trên mọi phương diện, trong đó có cả sự chống phá về tư tưởng, ý thức hệ của các thế lực cơ hội, thù địch. Những âm mưu kích động bạo loạn, lật đổ, tâm lý chiến, tuyên truyền, bôi nhọ, phá hoại từ bên trong thường xuyên xảy ra, có sự phối hợp trong - ngoài, trên - dưới với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Phạm vi chống phá cũng rất đa dạng, kết hợp đấu tranh trên chiến trường với sức mạnh vượt trội về phương tiện chiến tranh, tiềm lực quân sự với tâm lý chiến, phá hoại về tư tưởng, chính trị, bao vây, cô lập… Nội dung và lĩnh vực chống phá được thực hiện, hướng vào những vấn đề khó khăn trong nước, khi Việt Nam vừa thực hiện kháng chiến giành độc lập, vừa từng bước xây dựng CNXH trong điều kiện điểm xuất phát thấp, một số lĩnh vực hay bị lợi dụng như dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… Âm mưu, thủ đoạn chống phá cũng linh hoạt, đa dạng, đó là sử dụng sức mạnh trên chiến trường, kết hợp phá hoại sự ổn định bên trong, ly tán về tư tưởng, chính trị… Ở mỗi thời điểm, giai đoạn khác nhau, các thế lực cơ hội, thù địch sử dụng phương thức chống phá tương ứng. Tuy nhiên, sức mạnh của chính nghĩa và sự đoàn kết, đồng lòng của người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đã làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, Việt Nam đã giành độc lập, thống nhất đất nước.

Từ sau năm 1975, đặc biệt là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bước vào giai đoạn mới, với nhiều đặc điểm khác biệt so với trước đây, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh tư tưởng, ý thức hệ. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là sai lầm chủ quan, nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã lâm vào khó khăn. Khủng hoảng kinh tế - xã hội, quản lý đất nước yếu kém, sự chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ, cùng với cuộc chiến tranh lạnh, sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc gây ra đã làm cho một số nước mất ổn định nghiêm trọng, dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào đầu những năm 1990.

Ở Việt Nam, thời điểm này, công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới tiến hành được 5 năm, những khó khăn về kinh tế do điểm xuất phát thấp, bị chiến tranh tàn phá nặng nề trước đây, cùng với 2 cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc, đã đẩy đất nước vào khủng hoảng chưa từng có. Bị cấm vận, bao vây cô lập, mất nguồn viện trợ từ bên ngoài làm cho Việt Nam đã khó khăn càng khó khăn hơn, nhiều vùng miền trong cả nước có tình trạng thiếu lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu trở nên trầm trọng… Sự chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch giai đoạn này đối với Việt Nam càng quyết liệt hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ thể hiện âm mưu xóa bỏ CNXH ở một số nước còn lại, trong điều kiện phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đang thoái trào, các thế lực thù địch còn muốn xóa bỏ mô hình chế độ xã hội mới tồn tại hơn nửa thế kỷ.

Trong suốt thời gian từ cuối thế kỷ XX cho đến nay, nội dung chống phá của các thế lực thù địch có thể khái quát ở một số vấn đề cơ bản, như: 1) Tiếp tục chống phá về hệ tư tưởng, ý thức hệ mà trực tiếp là những quan điểm nền tảng, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng đã lỗi thời; đề cao mô hình, thể chế nhà nước tư bản chủ nghĩa, tam quyền phân lập, ca ngợi sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ...; 2) Chống phá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ Đảng với nhân dân, quân đội, công an với nhân dân; phê phán đường lối đối ngoại, trong đó đặc biệt tập trung vào quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; 3) Hạ thấp thành tựu, đồng thời khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém, sai lầm trong quản lý kinh tế - xã hội; 4) Hạ bệ thần tượng, tập trung vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhân việc Đảng xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, chúng khuếch đại, chia rẽ nội bộ nhân dân, dân tộc, tôn giáo, khối đại đoàn kết, làm nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; 5) Thông tin bôi nhọ mô hình, yếu kém của một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại... Từ những nội dung trên, các thế lực thù địch “chế biến” thành nhiều nội dung cụ thể, có vấn đề chống thường xuyên, liên tục, có nội dung khai thác sâu ở từng thời điểm.
Lực lượng chống phá cũng có nhiều thay đổi, bên cạnh một số thế lực chính trước đây ở các nước phương Tây, lực lượng “diều hâu” cực đoan, còn một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, “hận thù” dân tộc sau chiến tranh, một số đối tượng bất mãn, cơ hội trong nước, móc nối với bên ngoài, trong đó có cả một số nguyên là cán bộ cao cấp, trí thức, văn nghệ sĩ… Âm mưu, thủ đoạn chống phá linh hoạt hơn, ngoài việc tiếp tục thực hiện “diễn biến hòa bình”,  “chiến thắng không cần chiến tranh”, tận dụng tối đa các kênh thông tin như đài phát thanh, nhà xuất bản trực tiếp hướng vào Việt Nam như trước đây, hiện nay chúng triệt để khai thác thế mạnh truyền thông, mạng xã hội, Internet với các hình thức đa dạng, tập trung vào thế hệ trẻ, với nhiều hình thức mới, tuyên truyền thông tin sai lạc, xuyên tạc sự thật. Chúng thường tập trung vào những vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện đất đai, biên giới hải đảo, chia rẽ công an, quân đội với dân…, kích động biểu tình, bạo loạn lật đổ, đưa người từ ngoài vào, phối hợp với những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước nhằm tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng. Nội dung chống phá cũng linh hoạt, đa dạng và tinh vi hơn, thật giả lẫn lộn, trắng đen thay đổi…, nhất là vào những thời điểm quan trọng, sự kiện chính trị lớn của đất nước như trước và sau Đại hội Đảng các nhiệm kỳ. Trong đó, luận điểm “ Đại hội XIII cần bỏ cụm từ: “nền tảng tư tưởng”, cứ lý thuyết nào đúng thì theo” là một ví dụ!

2.  Nhân dân Việt Nam gắn bó với Đảng Cộng sản Việt Nam, tin yêu và đi theo Đảng, gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng ta”. Do đó, khi nêu “cứ lý thuyết nào đúng thì theo”, điều này nghe qua có vẻ hợp lý, có tính xây dựng, nhưng thực chất là sự mâu thuẫn, đánh tráo khái niệm. Hoặc là, nền tảng tư tưởng của Đảng là đúng, được thực tiễn Việt Nam khẳng định, thì “cứ lý thuyết đúng thì theo” như vậy là đủ, không cần kiên trì nền tảng tư tưởng, dễ bị coi là cứng nhắc, giáo điều. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay, các thế lực thù địch thường rêu rao về sự “lạc hậu, lỗi thời” hoặc “chỉ đúng với trước kia, không còn đúng với hiện nay”, điều này cũng đồng nghĩa với việc coi chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp, không còn đúng, và do đó, cứ “lý thuyết nào đúng thì theo” càng có vẻ phù hợp. Điều đó phản ánh âm mưu, thủ đoạn và cho thấy rõ mục đích cuối cùng của các thế lực cơ hội, thù địch là mong muốn Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, điều mấu chốt trong sự mâu thuẫn của luận điểm “cứ lý thuyết nào đúng thì theo!” là ở chỗ: các thế lực cơ hội, thù địch thường lấy mô hình, lý thuyết của CNTB là chân lý, hoặc các lý thuyết theo chúng là đúng, còn khác với quan điểm của chúng là sai. Thậm chí, không ít trường hợp, do “hận thù” dân tộc, do thái độ thù địch, nên những người cộng sản làm bất cứ điều gì có lợi cho đất nước, dân tộc, nhân dân thì chúng đều phê phán. 

Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, Việt Nam vẫn nỗ lực đạt được những thành tựu về xóa mù chữ, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội… được thế giới thừa nhận, nhưng các thế lực cơ hội, thù địch vẫn ra sức phê phán, cố tình phủ nhận. Bởi vậy, cái gọi là “lý thuyết đúng” mà chúng đưa ra chỉ là ảo tưởng, nhằm đánh tráo khái niệm, mập mờ “đánh lận con đen” đối với những người thiếu hiểu biết. Bên cạnh đó, không thể so sánh một lý thuyết đơn thuần với một nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng. Đó là sự so sánh khập khễnh, thiếu tính hệ thống và tính khoa học. Bởi, một lý thuyết chỉ đề cập đến một vấn đề, một lĩnh vực cụ thể, còn hệ tư tưởng, nền tảng tư tưởng bao gồm nhiều lý thuyết, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong một chỉnh thể thống nhất, bao quát nhiều lĩnh vực rộng lớn.

Những luận cứ khẳng định tính đúng đắn của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là:

Thứ nhất, luận cứ về giá trị phổ quát của việc lựa chọn tư tưởng, mô hình phát triển của một quốc gia.

Thứ hai, luận cứ về khái niệm, nội hàm khoa học.

Thứ ba, luận cứ về tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thứ tư, luận cứ về giá trị thời đại, cơ sở để đưa cách mạng Việt Nam phát triển.

Những quan điểm trên là sự đúc kết sâu sắc từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, vì thế không thể có chuyện “từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng” và “cứ lý thuyết nào đúng thì theo” - một âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, cơ hội.

2 nhận xét:

  1. Mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta nhằm thực hiện mưu đồ đen tối, chia rẽ Đảng với nhân dân, phản bội Tổ quốc; phải bị vạch mặt để làm trong sạch đời sống tinh thần của xã hội.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa