Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

KHÔNG THỂ VU KHỐNG, XUYÊN TẠC VỀ QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM


Ngày 13/12/2018, trên trang mạng Danlambao, Phạm Trần với bài viết: “Bỗng dưng ca hát cái mình có đâu”. Nội dung bài viết Y đã xuyên tạc rằng: “Người dân Việt Nam sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, lại bị nhốt vào cái cũi độc tài và độc tôn toàn trị của Đảng Cộng sản, chưa bao giờ được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của mình”. Và “Nhân dân, tuy là chủ nhân của Tổ quốc, nhưng luôn bị kìm kẹp để phục vụ đám đầy tớ cán bộ, đảng viên… Nhà nước Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ là của dân, do dân, vì dân, mà chỉ là của của đảng, do đảng và vì đảng mà thôi”. Đây, là những luận điệu vu cáo, xuyên tạc trắng trợn quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bởi:
Từ ngày thành lập đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Quan điểm trên, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, đọc trong ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây, là tư tưởng lớn về quyền con người. Từ đây, lần đầu tiên các quyền tự do cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng thành quyền dân tộc, đó là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết.
Thực tế đã chứng minh, từ ngày thành lập đến nay, trải qua bao phong ba, bão táp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn không thể phủ nhận trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quyền con người được phát huy là nhân tố quyết định thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc trước kia và thành công của công cuộc đổi mới ngày nay.
Tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc Việt Nam.
Kế thừa và phát huy giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc Việt Nam, đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong bảo đảm về quyền con người của Đảng, Nhà nước ta. Chúng ta quan niệm không thể có thứ tự do nào mà không có trách nhiệm đi kèm. Bởi lẽ, nếu tự do là tuyệt đối, thì tự do không hạn chế của người này sẽ dẫn tới sự vi phạm quyền con người của người khác và lẽ đương nhiên là đem lại tai họa cho xã hội. Quyền con người ở nước ta trước hết là quyền được làm công dân của một nước độc lập, tự do, quyền được sống bình đẳng và mức sống không ngừng được nâng cao. Quyền của mỗi người phải gắn với vận mệnh và quyền của cả cộng đồng toàn dân tộc, với nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyền con người thống nhất với quyền dân tộc cơ bản, nhân quyền không được cao hơn chủ quyền. Thực thi quyền con người phải dựa trên cơ sở ưu tiên bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, chủ quyền quốc gia. Nếu dân tộc không được độc lập, chủ quyền quốc gia không được xác lập thì không có quyền con người.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người cộng sản Việt Nam cũng không được phép lơ là, mất cảnh giác trước những luận điệu sai trái về quyền con người của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế. Quyền con người ở Việt Nam được thể hiện trong quyền và nghĩa vụ công dân, thực hiện quyền con người gắn liền với quá trình thực hiện dân chủ hoá xã hội.
Bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam đã và đang được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam quan tâm thúc đẩy phát triển phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đã và đang được đại đa số gần 90 triệu người dân Việt Nam đồng tình, ủng hộ. Chính sự ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam trong những năm qua là bằng chứng hùng hồn, chứng minh cho việc thực hiện quyền con người. Và đây, cũng chính là tiền đề thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước đang được nhân dân thừa nhận, Liên Hiệp Quốc và cả thế giới đánh giá cao, được nhiều nước, trước hết là các nước nghèo, đang phát triển coi là tấm gương để học tập và làm theo.
Như vậy, luận điệu của Phạm Trần chỉ là sự xuyên tạc trắng trợn quan điểm của Đảng ta về quyền con người, cần đấu tranh, vạch trần và bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét