Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

QUÂN ĐỘI THAM GIA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT LÀ MỘT NỘI DUNG QUAN TRỌNG ĐÃ ĐƯỢC HIẾN ĐỊNH

Điều 68 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) ghi rõ: “... kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh...”. Điều đó cho thấy, việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là ở nơi dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế của Quân đội cũng chính hướng tới mục tiêu đó.
Tuy nhiên, để hiểu tường tận vai trò, chức năng tham gia xây dựng kinh tế của Quân đội, cần có một cách nhìn khách quan, khoa học về vấn đề này. Trước hết, thuật ngữ “quân đội làm kinh tế” phải được hiểu dưới góc độ tham gia lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội; không được hiểu với nghĩa kinh tế đơn thuần, dù doanh nghiệp đó sản xuất trong bất cứ lĩnh vực nào. Nhận thức sai lầm, ngộ nhận dù vô tình hay cố ý đối với thuật ngữ này chính là một sự đánh tráo khái niệm, nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Quân đội, gây sự hiểu nhầm trong xã hội, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Quân đội; giữa Quân đội và nhân dân.
Hơn nữa, mục tiêu tham gia lao động sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế của Quân đội là: gia tăng sức mạnh của Quân đội và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có kinh tế quốc phòng; tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt; từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn lại được tiến hành ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, nếu không có các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp ngoài Quân đội khó có thể tiếp cận được. Ở khía cạnh này ta thấy, ngay từ đầu, vấn đề giữa lợi nhuận và sự toàn vẹn của lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, dân tộc đã được các đơn vị quân đội tham gia lao động sản xuất trả lời một cách dứt khoát. Với thế mạnh của mình và về nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị, Quân đội tham gia sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng khó có thể đảm đương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi đời sống của nhân dân còn hết sức thiếu thốn, lạc hậu. Rõ ràng, tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội là một mệnh lệnh, một nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Không chỉ tham gia lao động sản xuất đơn thuần, mà các đơn vị quân đội còn có thế mạnh là sử dụng nguồn lực có chất lượng của mình để tổ chức các lớp học văn hóa, giúp nhân dân nâng cao dân trí, xây dựng kết cấu hạ tầng, như: điện, đường, trường, trạm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở...
Có thể nói, những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế - quốc phòng trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giữa quân sự, quốc phòng với phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua là rất lớn và không thể phủ nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét