Nói về khái niệm, nêu gương, hay làm
gương (exemple) là làm mẫu; là tạo ra một mẫu mực cho người khác học và
làm theo. Làm gương và noi gương là một quá trình hình thành các tập quán, tập
tính, hay nói cách khác, là cách mà con người xã hội hóa nhân cách cá nhân. Nói
một cách nôm na, đơn giản, các hành động noi gương hay làm theo gương của người
khác là “bắt chước”, học tập, thực hành...Vì vậy nêu gương và noi gương, trước
hết là một phạm trù của giáo dục, của lãnh đạo.
Vấn đề nêu gương được chú ý như một phương thức quản
trị xã hội được nói đến trong các lý thuyết triết học, chính trị từ thời cổ đại,
ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Con người và ngay cả thế giới động vật nói
chung để sinh tồn, trước hết phải thông qua các hành vi bắt chước, làm theo, học
tập từ các hành vi mẫu. Nhờ đó, hình thành các loại hành vi mang tính
chuẩn mực của đời sống cộng đồng, xã hội, của loài.
Trong đời sống xã hội, nêu gương chủ yếu được nhấn mạnh
ở việc thực hành các chuẩn mực xã hội (đạo đức, pháp luật...). Như vậy, nêu
gương hay làm gương luôn phải đi kèm với noi gương, học tập và làm theo các tấm
gương ấy. Nói gọn lại, nêu gương và noi gương là loại hành vi thuộc tính của xã
hội loài người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh
vực lãnh đạo, quản lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất hiểu và vận dụng
khéo léo, hợp lý các nguyên lý, bản chất nêu gương của Đông - Tây. Suốt đời Người
thực hành nêu gương, làm gương và noi gương; và chính Người đã
trở thành tấm gương sáng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Làm người lãnh đạo (dẫn đường) phải có nhiều phẩm chất,
nhưng một trong những phẩm chất quan trọng nhất là đi tiên phong, phải làm
gương cho người theo sau. Người nói, đảng viên đi trước, làng nước theo sau và
“Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân
dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nêu gương
luôn là một phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc đấu
tranh giành độc lập dân tộc, dù phải chịu tra tấn, tù đày, án chém, bom đạn,
đói khát... đảng viên của Đảng là những tấm gương hy sinh tất cả, vì thắng lợi
của cách mạng. Trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiều đảng viên của Đảng cũng
phải lao tâm khổ trí, chịu nhiều thiệt thòi, quyết tìm tòi con đường đổi mới; gắn
vận mệnh đổi mới với vận mệnh đất nước, gia đình, bản thân; sướng khổ, vui buồn
cùng những thăng trầm của đất nước, của sự nghiệp đổi mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét