Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI VỀ NÊU GƯƠNG CỦA HỒ CHÍ MINH

Để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính trị, tư tưởng, lý luận, tổ chức, cán bộ và giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo những chiến sĩ yêu nước trở thành người cách mạng. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), Người đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mệnh với 23 điểm. Theo Bác, người cách mạng tư cách phải chuẩn mực; thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: với chính mình, với người khác, với công việc. Bác đã nêu rõ những yêu cầu có tính chuẩn mực đó: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”.
Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Hồ Chí Minh nêu ra 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Tư cách ở đây chính là sự nêu gương, là tấm gương của sự phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Đảng thật sự nêu gương khi xác định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Người đặc biệt nhấn mạnh sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để trở nên người cách mạng chân chính, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, gian giảo, tham lam và những thói xấu khác. Đồng thời, Người nêu rõ bổn phận của mọi cán bộ, đảng viên là: cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc.
Trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống ngoại xâm, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải là những chiến sĩ tiên phong, nêu gương trước quần chúng, chấp nhận gian khổ, kể cả hy sinh tính mạng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hồ Chí Minh luôn đề cao những tấm gương hy sinh của các đồng chí: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, v.v. Các đồng chí đó “đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.
Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước, thực hiện sứ mệnh Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ, quyền hạn trong bộ máy của Đảng, Nhà nước gắn với chế độ hưởng thụ quyền lợi vật chất càng đòi hỏi sự nêu gương, “gương mẫu trong mọi công việc”; không màng danh lợi, giàu sang, quyền chức; được giao công việc gì cũng hoàn thành tốt nhất. Đó là sự nêu gương chân thành và tự giác.
Sinh thời, Người thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau, coi đó là lời khen chân thành của nhân dân và cũng là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương tức là gương mẫu, đi đầu, thể hiện tính tiền phong, bản chất cách mạng và khoa học của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Người nêu rõ: “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”.
Suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng - tấm gương cao đẹp nhất của người cộng sản, của người lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân. Người nêu gương suốt đời trong học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện, đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia, dân tộc, cuộc sống của nhân dân lên trước hết, trên hết. Ngày 14-7-1969, trả lời nữ nhà báo Cu-ba, Hồ Chí Minh nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Nghị quyết của Đại hội đồng UNESSCO khóa 24 (họp từ 20-10 đến 20-11-1987) đã suy tôn và công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét