Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

PHÁT TRIỂN MỐI QUAN HỆ ĐOÀN KẾT, HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG, HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM – CAMPUCHIA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY


1. Quan hệ Việt Nam - Campuchia trên về chính trị – ngoại giao, an ninh – quốc phòng
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết cùng chống kẻ thù chung, đặc biệt là đã kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đặc biệt là thắng lợi trong cuộc chiến tranh xoả bỏ tham vọng của Tập đoàn Pôn Pốt - Ieng xa ri và các thế lực thù địch vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Ngày nay, với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, quan hệ Việt Nam - Campuchia vẫn đang không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi cấp cao của đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân, nhất là các tỉnh có chung biên giới. Qua đó, khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, coi đây là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, đồng thời tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Hợp tác an ninh - quốc phòng nhằm đáp ứng tình hình và nhiệm vụ bảo vệ đi đôi với xây dựng đất nước là mong muốn chung của cả hai quốc gia. Trên thực tế, hai bên đã chủ động tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy, triển khai nhiều hoạt động quan trọng ở hai bên biên giới như việc phân giới, cắm mốc (đạt 84%;16% còn lại đang được quản lý ổn định);  phối hợp tổ chức hàng chục lượt tuần tra chung (cả trên bộ và trên biển); tổ chức giao lưu, kết nghĩa đồn trạm thôn bản, đấu tranh phòng chống tội phạm; hợp tác, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm.... Đáng chú ý là các hình thức, phương pháp phối hợp, hợp tác không ngừng được đổi mới, sát với đặc điểm, tình hình của khu vực và mỗi nước. Ví dụ như trong đàm phán xây dựng Nghị định thư, các văn kiện pháp lý và hình thức viện  trợ. Mới nhất Chính phủ (trực tiếp là BQP viện trợ cho Campuchia 10 triêu USD để xây dựng trụ sở làm việc của BQP Campuchia). Bên cạnh đó, các hoạt động đa phương cũng được tiến hành sâu, rộng và giành được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, hai bên luôn tìm được tiếng nói đồng thuận, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
2. Về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật
Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên thực hiện cơ chế mở cửa thông thoáng và đạt nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều hằng năm đạt khoảng 3,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Tại cuộc họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật giữa hai nước (15/3/2017) hai bên đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD. Tính đến tháng 4/2017, Việt Nam có 190 dự án, tổng số vốn đăng ký 2,89 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, EU và Malaixia) trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia. Campuchia có 12 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 54 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, được hai Đảng, hai Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược, nhằm hình thành một đội ngũ cán bộ hiểu biết lẫn nhau giữa các ngành, các lĩnh vực, làm nòng cốt trong duy trì và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị của hai nước. Hằng năm, Việt Nam cấp cho Camphuchia hơn 1.000 suất học bổng; tính đến quý I năm 2017, có gần 4.000 sinh viên Campuchia đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Cùng với đó, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, du lịch, an sinh xã hội. Tiêu biểu là, Campuchia thường xuyên tham gia các Festival nghệ thuật tại Việt Nam; ta đã tổ chức các Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia; khánh thành Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Pênh (năm 2014); khánh thành cầu Long Bình - Chrây Thom (tháng 4/2017) bắc qua sông biên giới nối liền tỉnh An Giang, Việt Nam với Can-đan, Campuchia… Đây là những biểu tượng trong sáng và cao cả của tình hữu nghị thủy chung, hợp tác hiệu quả giữa hai nước, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giao lưu, thương mại, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường kết nối giữa Việt Nam và Campuchia cũng như với các nước trong khu vực.
3. Dự báo tình hình và triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Campuchia
a) Dự báo tình hình
Những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng xâm phạm chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, di cư tự do, vấn đề hạt nhân, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng…diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á là trung tâm phát triển năng động, có vị trí chiến lược, có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống quốc tế, song tiềm ẩn nguy cơ bất ổn do sự cạnh tranh của các nước lớn. Hiện nay, các cường quốc, nhất là Trung Quốc, Mỹ đang dùng tổng thể các công cụ về ngoại giao, kinh tế, chính trị, quân sự… để lôi kéo, phân hóa ASEAN tranh giành ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình, thách thức vai trò trung tâm của ASEAN, đe dọa nguy cơ xung đột vũ trang, nhất là Biển Đông.
Đối với Campuchia, vừa qua Đảng CPP của Thủ tướng Hun-Xen thắng cử, song tình hình nội bộ còn nhiều vấn đề phức tạp. Một số đảng đối lập tại Campuchia lợi dụng, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, chĩa mũi nhọn vào vấn đề Việt kiều, biên giới, lãnh thổ với Việt Nam, lấy đây làm chiêu bài để tranh giành quyền lực, gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, nhất là khu vực biên giới, phương hại tới quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, các nước lớn, các thế lực bên ngoài lợi dụng bất ổn, mở rộng vị thế, tăng cường ảnh hưởng, chi phối ngày càng sâu rộng tại Campuchia, điều chỉnh đường lối, chính sách của Campuchia gây bất lợi cho Việt Nam.
b) Triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Campuchia
Trước tình hình mới, lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Campuchia tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai đảng, hai nhà nước, coi đây là mối quan hệ chiến lược lâu dài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước, cần phải được giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Hai nước đều mong muốn tiếp tục củng cố, phát triển mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 20 - 22/7/2017, Thủ tướng Hun Xen nhất trí hoàn toàn với đề nghị 5 điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phương hướng tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới là:
Thứ nhất, tăng cường, duy trì thường xuyên, hiệu quả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước; đồng thời, mở rộng hợp tác rộng rãi giữa các bộ, ngành, các tổ chức nhân dân, các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới nhằm giúp đỡ nhau một cách thiết thực, có hiệu quả; không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.
Thứ hai, đặc biệt chú trọng tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư đã ký. Điểm nhấn là kiên quyết không để bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào sử dụng lãnh thổ của nước này để đe dọa đến an ninh nước kia; bên cạnh hợp tác truyền thống, hai bên cũng nhất trí cùng mở rộng ra các lĩnh vững vực hợp tác khác mà hai bên cùng quan tâm
Thứ ba, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia phát triển bền vững, lâu dài trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi.
Thứ tư, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động hiệu quả tại các tổ chức quốc tế, khu vực và các diễn đàn hợp tác đa phương; cùng với các nước trong khu vực tìm những giải pháp hữu hiệu đảm bảo giữ vững môi trường hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh; thúc đẩy thực hiện các sáng kiến hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông
 Về vấn đề Biển Đông, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước có liên quan thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Thứ năm, hai bên nỗ lực thực hiện hiệu quả các hiệp ước, hiệp định, tuyên bố chung và các thỏa thuận đã ký; đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công tác cắm mốc phụ, cọc dấu và tiến tới ký kết văn kiện pháp lý nhằm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước; thúc đẩy đàm phán và hợp tác an ninh biển trong vịnh Thái Lan giữa ba nước: Campuchia, Việt Nam và Thái Lan; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu và hành động lợi dụng vấn đề biên giới để phá hoại quan hệ giữa hai nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét