Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

YÊU NƯỚC - KẾT TINH GIÁ TRỊ VĂN HOÁ DÂN TỘC

Quá khứ-hiện tại-tương lai là một dòng chảy bất tận mà kết chứa nhiều giá trị. “Yêu nước” chính là một trong nhiều giá trị văn hóa quốc gia-dân tộc Việt Nam, được kết tinh từ hàng ngàn năm trước, kể từ thời Hùng Vương dựng nước và mãi mãi cho đến mai sau.

Yêu nước biểu đạt trạng thái tâm lý tình cảm và hành động của con người, từ lòng yêu nước, tinh thần yêu nước rồi nói một cách "triết lý" thì thành chủ nghĩa yêu nước. Nó là giá trị văn hóa "muôn năm cũ" nhưng luôn tươi mới. Giá trị đó thật quý báu, cần được gìn giữ cho luôn đầy kho tàng văn hóa dân tộc và nhân lên, lan tỏa ra cuộc sống muôn màu tươi sắc.

Thời của chúng ta đang sống là mốc 77 năm kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945 / 2-9-2022) với thắng lợi của 15 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, kết thúc bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám hiển danh tinh thần yêu nước vĩ đại của toàn dân Việt Nam. Bao vật đổi sao dời. Có xác lập được nội hàm của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện nay không vì thấy có muôn vàn sự biểu đạt về nó? Trừu tượng có, cụ thể có. Một người xa quê hương, đất nước nhiều lúc cảm thấy xao xuyến tâm hồn, nhớ, ôi sao mà da diết thế!-yêu nước đấy. Đọc những trang sách về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân mình, cảm thấy tự hào-yêu nước đấy. Mỗi khi làm được một việc tốt thì thấy vui vì đã học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh-yêu nước đấy. Vân vân và vân vân.

Thời buổi toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cho thấy, thế giới và trong nước có những chuyển biến mạnh hơn và nhanh hơn. Nước nhà đang đứng trước vận hội mới và có cả thách thức, nguy cơ lớn trên đường phát triển để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi người có cảm nhận khác nhau về giữ gìn và phát huy chủ nghĩa yêu nước trong tình hình hiện nay. Khác gì thì khác vì có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều đi đến một đích chung là khát vọng làm cho đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu với mục tiêu đến năm 2030 trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, như Đại hội XIII của Đảng đã nêu. Vậy là, mọi nghĩ suy và hành động của ai đó nếu nhằm tới những điều ấy, thì đích thị người đó là người yêu nước.

Cần diễn đạt một cách cụ thể, phải chăng là ở 5 điểm sau đây:

Trước tiên, hãy làm thật tốt trách nhiệm công dân của mình. Đơn giản vậy thôi. Nhưng điều có vẻ đơn giản ấy đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt Hiến pháp và pháp luật, phải trở thành công dân gương mẫu. Nếu là đảng viên thì người đó còn cần thực hiện thật tốt Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chủ trương, quy định của tổ chức đảng.

Luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện mình trở thành người có đức, có tài. Đức-tài, hoặc "hồng-chuyên", hay phẩm chất-năng lực, những “cặp” đó là chỉnh thể làm nên “hình hài” của một con người Việt Nam yêu nước. Trong mối quan hệ đức-tài, Bác Hồ nêu rõ rằng, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Học cách nói của Bác, chúng ta có thể nói rằng, muốn thành đất nước phát triển trong phiên bản 4.0 thì phải có con người 4.0. Điều mà Bác nói vậy, một số người cho rằng, nói như thế thì duy ý chí, nhưng thực tế Bác đặt vấn đề như vậy là chính xác, bởi vì con người vừa là sản phẩm tự nhiên đồng thời là chủ thể để xây dựng một chế độ xã hội mới, nó vừa là kết quả khi đứng ở góc độ này mà nhìn, vừa là nguyên nhân khi đứng ở góc độ kia mà thấy. Nhưng dù đứng ở góc độ nào chăng nữa, con người vẫn chiếm vị trí trung tâm, là nhân tố quyết định tới việc xây dựng một xã hội mới.

Đương nhiên, có tài thì phải đi liền có đức, như Bác Hồ nêu: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”. Một trong những quan điểm điển hình về điều này của Bác là: “Cũng như­­ sông thì có nguồn mới có n­ước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Ngư­­ời cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo đư­­ợc nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài ngư­­ời là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.

Từ những điểm chốt trên đây, con người Việt Nam yêu nước phải luôn luôn nghĩ suy và hành động cho điều thiện, yêu điều thiện, làm điều thiện, ghét cái ác, chống cái ác. Đó là nói về mối quan hệ bên ngoài, còn đối với cá nhân thì có cả cái thiện và cái ác ở trong mỗi con người. Con người là “nhân chi sơ tính bản thiện” nhưng ai cũng có 7 trạng thái tâm lý tình cảm và 6 dục vọng. Trong tình hình hiện nay, những ai có chức quyền và chức quyền càng lớn thì chúng tác động càng mạnh, nhất là dục vọng tiền của, danh vọng và sắc dục. Do vậy, phải phòng và chống mọi tiêu cực trong xã hội và trong mỗi con người, để cho, nói như Bác Hồ, là làm cho mỗi phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Cần có chế định của xã hội, nhưng chủ yếu là tại mình, tức là nói đến sự tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Con người yêu nước là phải nêu gương tốt, gương sáng cho xã hội. Bác Hồ cho rằng, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, rằng, lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Tự soi, tự sửa hoặc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất làm cho con người ta tốt lên, trở thành một con người thật sự có ích trong xã hội. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”-câu tục ngữ ấy muôn năm đúng, chứng tỏ cho tính một chiều của sự làm gương tốt, tức là từ người nhiều tuổi đến người ít tuổi hơn, từ thế hệ trước đến thế hệ sau, từ trên xuống, từ trong Đảng ra ngoài xã hội, chứ không ai làm ngược chiều bao giờ.

Yêu nước đi liền với yêu chủ nghĩa xã hội. Đại hội XIII của Đảng nêu: “Tăng cường giáo dục... lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”. Với tình hình hiện nay, yêu nước đi liền với yêu chủ nghĩa xã hội, như Bác Hồ nói tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 7-5-1958: Yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm. Điều này khác một trời một vực với những kẻ chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta nhưng cứ hay khoác áo dân chủ, yêu nước. Đó là yêu nước giả, giả 100%. Đừng lòe người khác!

Năm 1920, khi đang bên trời Âu, viết về thanh niên Đông Dương lúc đó, Bác Hồ than: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Đó là sự kích hoạt lòng yêu nước trong lớp trẻ của đất nước đang lầm than dưới ách thực dân và phong kiến tay sai hủ bại. Nhìn tới giữa thế kỷ 21 này, cụ thể là 23 năm nữa (vào năm 2045), thế hệ thanh thiếu niên năm 2022 sẽ là quân chủ lực đầy cường khí xung năng của đất nước “phát triển, có thu nhập cao” như Đại hội XIII của Đảng đã nêu. Yêu nước-giá trị văn hóa quý báu dành cho tất cả những ai trên dải đất hình chữ S này, đủ mọi lứa tuổi, gái hay trai, giàu hay nghèo, người dân tộc đa số hay thiểu số, người ở thành thị, nông thôn hay người ở xa miền biên ải, người có quá khứ như thế nào và cho cả người Việt Nam ở nước ngoài nữa, phấn đấu thể hiện bằng nhiều lĩnh vực cụ thể khác nhau, nhưng giá trị đó phải đặt niềm tin thật sâu sắc, vững bền vào lớp trẻ hiện nay.

Hãy khắc phục cho bằng được 4 biểu hiện của bệnh “nói-làm”: Nói nhiều nhưng làm ít; nói hay nhưng làm dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo. Hãy “nói thì phải làm” như Bác đã viết ở trang đầu tiên "Tư cách của người cách mạng" trong cuốn "Đường Kách mệnh"; hoặc hãy “xắn tay áo làm đi” (trích "Hồ Chí Minh toàn tập", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.77)-lời của Bác nói với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa khi về thăm vào tháng 2-1947, trước khi trở lại Việt Bắc cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG

1 nhận xét: