Trong phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Thanh Hóa diễn ra mới
đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhận xét: “Trong đội ngũ cán bộ, công
chức, có cả bộ phận đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở vừa qua xuất hiện tư
tưởng sợ trách nhiệm, sợ vi phạm, đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm, vướng là
đẩy lên trên”.
Thực tế, không chỉ ở Thanh Hóa mà nhiều tỉnh, thành phố khác
trên cả nước cũng xảy ra hiện tượng này. Thậm chí, "bệnh" sợ trách
nhiệm còn diễn ra ngay tại một số bộ, ngành cấp Trung ương.
Điển hình là khi một số vụ việc liên quan đến ngành y tế bị phát
hiện, xử lý thì sau đó việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm và trang
thiết bị y tế bị đình trệ; hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế
thế hệ mới từ nguồn lực xã hội bị dừng lại... dẫn đến thuốc, sinh phẩm, vật tư
y tế thiếu nghiêm trọng, đe dọa tới an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân,
nhưng các cơ sở y tế cũng không dám mua sắm, đấu thầu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sợ trách nhiệm. Nguyên
nhân khách quan là do quy định của pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa
đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ
người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nguyên nhân chủ quan là do năng lực, trình độ của một bộ phận
cán bộ còn hạn chế, không cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh
làm sai; người có thẩm quyền quyết định thiếu chuyên môn, lại không tin tưởng
cấp dưới; cấp dưới có trình độ còn hạn chế, tinh thần làm việc thụ động, sợ
trách nhiệm, trông chờ ý kiến cấp trên.
Sợ trách nhiệm đã thành "căn bệnh" ảnh hưởng rất lớn
đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Lớn hơn, nếu để
"bệnh" sợ trách nhiệm kéo dài thì sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà
nước, giảm lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để khắc phục “bệnh” sợ trách nhiệm, sợ vi phạm, đùn đẩy, không
làm hết trách nhiệm, vướng là đẩy lên trên, cần tập trung rà soát những bất
cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng
rõ ràng, minh bạch hơn; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân và phải được cụ
thể hóa thành luật. Trong đó, cần rà soát, nghiên cứu bảo đảm quản lý chặt chẽ,
có tính răn đe, giáo dục; không để người xấu, người thiếu trách nhiệm lợi dụng
nhưng cũng tạo sự yên tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, để khuyến khích tinh thần dám đương đầu với khó
khăn, dám sáng tạo, đột phá vươn lên thì cách đánh giá cán bộ cũng cần được đổi
mới, xóa được tư tưởng “an phận thủ thường”, “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai
ít, không làm không sai” trong một bộ phận công chức, viên chức. Cách đánh giá
cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin
rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng.
Bên cạnh đó, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện
phương châm “6R” (Rõ quy trình, rõ đối tượng, rõ người thực thi, rõ việc, rõ
trách nhiệm, rõ thời gian) một cách triệt để; coi trọng công tác kiểm tra, đánh
giá trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ nhằm kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám
làm và các nhân tố mới.
Đây cũng là cách thiết thực để cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW
ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ
năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Trong đó, tập thể phải là “bệ đỡ” cho
tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung, vì
lợi ích của nhân dân.
HOÀNG KHÁNH TRÌNH - QĐND
sợ trách nhiệm là không làm cán bộ được
Trả lờiXóa