Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

LUẬN THUYẾT MÁC – LÊNIN VỀ SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN MANG TÍNH KHOA HỌC, CÁCH MẠNG

Sự ra đời, phát triển của giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của nó là kết quả tất yếu, khách quan của quá trình phát triển xã hội loài người; các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin là những người phát hiện ra, truyền bá, giác ngộ giai cấp công nhân để họ đấu tranh, hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử đó.

Thực tế, giai cấp công nhân là “con đẻ” của đại công nghiệp, phát triển cùng đại công nghiệp. “Trong tất cả các giai cấp đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”.  

Giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân đấu tranh xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa văn minh. “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy, - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”.

Sứ mệnh lịch sử đó do địa vị kinh tế - xã hội khách quan của giai cấp công nhân quy định. Giai cấp công nhân là giai cấp gắn với lực lượng sản xuất tiên tiến nhất dưới chủ nghĩa tư bản, nên nó là lực lượng quyết định phá vỡ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội mới với kiểu quan hệ sản xuất mới. Giai cấp công nhân được rèn luyện trong nền sản xuất công nghiệp tiến bộ, đoàn kết và tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng mạnh. Họ là giai cấp trực tiếp đối kháng với giai cấp tư sản, và xét về bản chất họ là giai cấp cách mạng triệt để nhất chống lại chế độ áp bức, bóc lột đó. Điều kiện sinh hoạt khách quan của họ quy định rằng, họ chỉ có thể tự giải phóng bằng cách giải phóng toàn xã hội khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc cách mạng ấy, họ không mất gì ngoài xiềng xích và được cả thế giới về mình. Đúng như C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những người công nhân hiện đại”. “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.

Trung thành chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin khẳng định, bổ sung: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ; vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”.

 Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là tất yếu khách quan, song, để hiện thực hóa sứ mệnh đó, phải thông qua những nhân tố chủ quan - bản thân giai cấp công nhân và chính đảng của nó.

Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, số lượng, tỷ trọng công nhân ngày càng tăng nhanh ở tất cả các nước, đa dạng hơn về cơ cấu; chất lượng, trình độ học vấn, khoa học công nghệ và tay nghề ngày càng được nâng cao. Trong quá trình phát triển, với sự thâm nhập của chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân tất yếu hình thành chính đảng của giai cấp công nhân - bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân sẽ nâng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát lên tự giác. Việc thành lập ra đảng cộng sản trung thành với sự nghiệp, lợi ích của giai cấp công nhân là yếu tố quyết định nhất, đảm bảo cho giai cấp công nhân có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Lịch sử thế giới đã chứng minh tính đúng đắn về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1871, Công xã Pari  nổ ra, giành thắng lợi - nhà nước vô sản đầu tiên được thành lập, tuy chỉ là mô hình nhà nước vô sản sơ khai, chỉ tồn tại trong 72 ngày nhưng bước đầu đã chứng minh khả năng cách mạng của giai cấp công nhân và bản chất tốt đẹp của mô hình xã hội XHCN. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), đã sáng lập nên một chế độ xã hội mới - xã hội XHCN. Lần đầu tiên trong lịch sử, khát vọng thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân loại cần lao đã trở thành hiện thực sinh động trên một đất nước rộng lớn bằng một phần sáu trái đất và đã mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. “Cách mạng Tháng Mười đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”.

Nước Nga Xô viết, tiếp sau là Liên Xô đã sáng tạo nên những giá trị Xô viết vĩ đại, ưu việt hơn hẳn các chế độ xã hội đã tồn tại trong lịch sử. Trong hơn 70 năm (1917 - 1991) xây dựng và phát triển, từ một nước Nga lạc hậu, Liên Xô đã trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ). Chính trị, văn hóa, khoa học giáo dục đều có sự phát triển vượt bậc, ảnh hưởng lớn đến các nước trên thế giới. Liên-Xô đã giải phóng hàng trăm dân tộc thiểu số ra khỏi nước Nga Sa hoàng - nhà tù của các dân tộc, đem đến cho họ cuộc sống mới. Đời sống mọi mặt của các dân tộc được nâng cao. Quần chúng công nông được hưởng đầy đủ các quyền chính trị kinh tế văn hóa xã hội bảo vệ sức khoẻ, chữa bệnh và nhiều giá trị khác nữa như  quyền nhà ở, quyền được học hành, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo…Đó chính là những giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt do Liên Xô tạo nên, buộc chủ nghĩa tư bản phải tự điều chỉnh, tự tô vẽ lại bộ mặt của mình theo hướng nhân văn hơn, tiến bộ hơn.

Năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô đã tăng 321 lần so với năm 1922, thu nhập quốc dân tăng 112 lần. Năm 1975, tổng sản lượng kinh tế của Liên Xô đã đạt 943,5 tỷ USD (đứng thứ 2 thế giới và bằng 62% so với Hoa Kỳ) và chỉ cần 2 ngày rưỡi, Liên Xô đã sản xuất ra lượng sản phẩm bằng cả năm 1913 (năm cao nhất của Đế quốc Nga cũ). 

Liên Xô đã tích cực, chủ động giúp đỡ phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc hiệu quả, thiết thực. Liên Xô đã góp phần chủ yếu cứu loài người khỏi thảm hoạ phát xít, thực sự là thành trì của hoà bình, an ninh quốc tế. Với sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn của Liên Xô, phong trào giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc phát triển như vũ bão; phong trào cộng sản- công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh cho hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới lớn mạnh không ngừng. Nhờ đó, trong những năm 1960, có khoảng 100 quốc gia giành được độc lập dân tộc ở các mức độ khác nhau, một số nước trong đó lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội từ một nước phát triển thành một hệ thống thế giới, tạo thế cân bằng với chủ nghĩa tư bản, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt hành tinh. Đó là sự hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mà C. Mác, Ph. Ăng ghen đã tiên đoán từ năm 1848.

Thế nhưng, sau 70 năm tồn tại,  phát triển, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô đã sụp đổ. Nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ đó do sự vận dụng giáo điều chủ nghĩa Mác - Lênin, duy trì quá lâu mô hình kinh tế - xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp; nguyên nhân trực tiếp là do sai lầm của những người lãnh đạo đứng đầu của đảng cộng sản; thêm vào đó, là sự phản bội của một số kẻ cơ hội bên trong kết hợp với sự chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Sự sụp đổ hệ thống XHCN hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của lý tưởng cộng sản, càng không phải là sự phá sản học thuyết Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, không phải là sự diệt vong tất yếu của CNXH hiện thực mà là sự đổ vỡ của một mô hình CNXH còn nhiều khuyết tật, không tôn trọng quy luật khách quan, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin…

1 nhận xét: