Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐOÀN KẾT THỐNG NHẤT

Trên trang mạng gần đây xuất hiện bài viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam có thật sự đoàn kết?” của một phần tử khiêu khích. Bài viết cho rằng: “Lúc này Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong tình trạng chia rẽ, phân tán lớn nhất từ trước tới nay”. “Đoàn kết là vấn đề sống chết của một tổ chức. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập là một tổ chức bí mật có sự đoàn kết nội bộ đảng không? Câu trả lời là không. Không những là không mà lúc này Đảng Cộng sản Việt Nam còn đang trong tình trạng chia rẽ, phân tán lớn nhất từ trước đến nay. Sự tranh chấp, kèn cựa mất đoàn kết và dẫn đến thanh toán lẫn nhau trong Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn diễn ra trong bí mật, hoặc che đậy bằng nhiều hình thức khác. Nhiều vụ chưa được phanh phui, nhiều vụ người ngoài chỉ suy đoán, tuy vậy có những vụ bị phơi bày công khai”. “Những cán bộ trong cả ba tổ chức cộng sản này (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) tranh nhau mở rộng mạng lưới cơ sở, phát triển đảng viên và “lãnh địa” ảnh hưởng của mình. Hai đảng An Nam cộng sản Đảng và Tân Việt có số đảng viên và phương thức hoạt động mà giới lãnh đạo đều là trí thức vượt trội những người trong Đông Dương cộng sản đảng. Cả 3 đảng này chia rẽ, tranh giành quần chúng”. “Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra sự đoàn kết trong đảng chỉ là sự đoàn kết xuôi chiều, có nghĩa nôm na “ai sao tôi vậy”, “thứ nhất đồng ý thứ hai ngồi lỳ”, ủng hộ tuyệt đối tất cả những gì đảng ủy đưa ra. Điều này phản ánh rõ sự nhát sợ của đảng viên, họ sợ mất lòng cấp trên, mất an toàn cho bản thân, phụ họa theo ý kiến của người đứng đầu, sợ va chạm, sợ bị đánh giá, chụp mũ là tự chuyển hóa, tự diễn biến; hai lưỡi đao lơ lửng trên đầu rơi xuống bất cứ lúc nào trên cổ họ”…

Rõ ràng, đây là giọng điệu của kẻ thù địch, chống phá Đảng, xuyên tạc lịch sử, đổi trắng thay đen.

Phải nói rằng, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đoàn kết thống nhất. Từ thời kỳ thành lập Đảng và Đảng hoạt động bí mật, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng đã được đặt ra. Đến khi Đảng tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng càng được đặt ra và giải quyết một cách nghiêm túc, mang lại sự thống nhất trong Đảng.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thành lập, trong nước có ba tổ chức cộng sản, được gọi là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập ngày 17-6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (thành lập ngày 7-8-1929), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (thành lập ngày 1-1-1030).

Ba tổ chức cộng sản này có mối bất hòa, không thống nhất được với nhau, nên các đảng viên cộng sản ở trong nước muốn có một đảng cộng sản thống nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người có đủ tư cách và uy tín để lập một đảng cộng sản thống nhất ở Việt Nam chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. Đó là lý do dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại một địa điểm ở đảo Cửu Long thuộc quần đảo Hương Cảng (Hồng Kông) từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Đây là Hội nghị hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản trong nước thành lập trước đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Đại biểu chính thức dự Hội nghị: Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Chủ trì; Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, thay mặt Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu, thay mặt An Nam Cộng sản Đảng. Đại biểu hoạt động ở nước ngoài là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập (ngày 1-1-1930), lại nhận được giấy mời chậm, nên không kịp cử đại biểu đi dự. Tuy nhiên, sau khi Đảng được thành lập, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã làm đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và đã được Đảng chấp nhận.

Hôm khai mạc Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc nói lý do về Hội nghị này. Sau đó, các đại biểu thảo luận ý kiến của Nguyễn Ái Quốc về “việc hợp nhất tất cả các nhóm cộng sản thành một tổ chức chung, tổ chức này sẽ là một Đảng Cộng sản chân chính”.

Các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng đều tán thành ý kiến có tính chất đề xuất của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Hội nghị nhất trí: “Đặt tên Đảng mới là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đến Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, Đảng đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hội nghị thảo luận chỉ ra những sai lầm của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và kêu gọi sự thống nhất trong Đảng.

Hội nghị thành lập Đảng thông qua các văn kiện quan trọng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị thảo luận và nhất trí thông qua:

“Năm điểm lớn”.

“Chánh cương vắn tắt của Đảng”.

“Sách lược vắn tắt của Đảng”.

“Chương trình tóm tắt của Đảng”.

“Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

“Báo cáo tóm tắt Hội nghị”.

“Lời kêu gọi”.

Các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng nêu rõ cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng thổ địa để đi tới xã hội cộng sản. Sau này, phát triển lý luận thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Từ ngày Đảng thống nhất giữa ba tổ chức cộng sản, tình hình trong Đảng tốt đẹp hơn nhiều. Đảng thống nhất, các tổ chức đảng trong cả nước đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không có tình trạng chia rẽ, cát cứ, phân tán, chia cắt, bè phái, như các phần tử khiêu khích đã viết. Điều này làm cho công tác phát triển Đảng được nhanh chóng, các tổ chức cơ sở đảng cũng phát triển mạnh. Mặc dù sống trong hoàn cảnh bị thực dân khủng bố, Đảng vẫn lớn mạnh không ngừng.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, nội bộ Đảng không có mâu thuẫn trên toàn cục, mà chỉ có mâu thuẫn nội bộ giữa cá nhân đảng viên này với cá nhân đảng viên khác (không phải là mâu thuẫn đối kháng) và giải quyết mâu thuẫn đó bằng phê bình và tự phê bình. Phê bình và tự phê bình là phương pháp hoạt động cải tạo mang tính chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; còn trong xã hội, nó cũng là phương pháp hoạt động của toàn dân; là một trong những động lực của sự phát triển của xã hội; là nguyên tắc giáo dục và tự giáo dục của con người về mặt đạo đức. Phê bình và tự phê bình là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái bảo thủ, cuộc đấu tranh vốn có trong sự phát triển của tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

C.Mác coi phê bình là một trong những phương tiện đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân. V.I.Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của phê bình và tự phê bình đối với việc thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, đối với hoạt động của Đảng Cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phê bình và tự phê bình. Người viết:

“Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân mạnh về đoàn kết trong Đảng. Trong Di chúc, Người viết:

“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước VIệt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trên đây là tôi đã phân tích những vấn đề cơ bản về đoàn kết thống nhất trong Đảng. Những người cố tình cho rằng, “Đảng đang bị chia rẽ, phân tán lớn nhất từ trước tới nay” là không phản ánh đúng thực tế khách quan của lịch sử, cần phải phê phán và bác bỏ.

GS,TS Đàm Đức Vượng

1 nhận xét: