Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

TÍNH LOGIC, BIỆN CHỨNG CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

Chủ nghĩa Mác - Lênin do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập vào nửa sau thế kỷ XIX. Sau khi Mác và Ăngghen mất, Lênin là người kế tục sự nghiệp vĩ đại do Mác và Ăngghen để lại, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm hai mươi thế kỷ XX. Là một thể thống nhất giữa lý luận khoa học, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân với những nguyên tắc lãnh đạo chính trị và thực tiễn đấu tranh cách mạng, sự thống nhất một cách hữu cơ của chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở các bộ phận cấu thành của nó là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Ba bộ phận này xuất hiện, phát triển gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau, mỗi bộ phận có vị trí riêng. Tính lôgíc, biện chứng của chủ nghĩa xã hội khoa học trong hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện cụ thể như sau:

Trong mối liên hệ với triết học Mác- Lênin

Triết học Mác - Lênin là chủ nghĩa duy vật triết học hoàn bị, nó cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân những công cụ nhận thức vĩ đại. Với phát kiến thứ nhất là chủ nghĩa duy vật lịch sử đã chỉ ra việc sản xuất kinh tế là cơ sở để xem xét sự thay đổi các chế độ xã hội, từ đó khẳng định sự phát triển của xã hội loài người là quá trình lịch sử tự nhiên; sự thay đổi các hình thái kinh tế- xã hội đã diễn ra trong lịch sử là do sự phát triển của các phương thức sản xuất kế tiếp nhau. Có thể khái quát về các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen là: Do lực lượng sản xuất phát triển qua các thời kỳ, trong lịch sử xã hội, loài người đã và sẽ diễn ra 5 hình thái kinh tế - xã hội: hình thái kinh tế - xã hội cộng sản nguyên thuỷ; hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ; hình thái kinh tế - xã hội phong kiến; hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa và hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa

Chủ nghĩa xã hội khoa học, dựa vào lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử rút ra kết luận: cũng như các hình thái kinh tế - xã hội trước nó, hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ là một trong những nấc thang của sự phát triển trong lịch sử xã hội loài người. Nó có quá trình phát sinh, phát triển, tiêu vong, trước sau nó sẽ được thay thế bằng hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, đó là hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chính nhờ đó, Mác và Ăngghen đã luận chứng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản “không phải là một trạng thái cần sáng tạo, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”. Đánh giá về vai trò của triết học đối với chủ nghĩa xã hội khoa học, V.I.Lênin viết: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức, sống lay lắt từ trước tới nay”.

Trong mối liên hệ với kinh tế chính trị Mác - Lênin

Trên cơ sở quan điểm duy vật lịch sử khi cho rằng, sản xuất vật chất là cơ sở, nền tảng, là yếu tố suy cho cùng, quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội, của lịch sử nhân loại; chế độ kinh tế là cơ sở trên đó kiến trúc thượng tầng chính trị được xây dựng lên, C.Mác và Ph. Ăngghen đã đi sâu nghiên cứu sự vận động của xã hội tư bản, làm rõ một trong những bản chất của giai cấp tư sản trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là bóc lột giá trị thặng dư do giai cấp công nhân tạo ra. Đây chính là động lực để chủ nghĩa tư bản tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế. Sự ra đời của cách mạng công nghiệp đã làm xuất hiện trong lòng chủ nghĩa tư bản hai nhân tố cực kỳ quan trọng: 1) Lực lượng sản xuất mới (đại công nghiệp); 2) Lực lượng xã hội mới (giai cấp công nhân hiện đại). Nhờ có hai nhân tố này mà giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản đã có những đóng góp hết sức to lớn cho sự phát triển xã hội; đồng thời, nó cũng làm xuất hiện hai mâu thuẫn cơ bản trong lòng chủ nghĩa tư bản, đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất có tính xã hội hóa với với tính chất chật hẹp của chế độ chiếm hữu tư nhân và mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân. Hai mâu thuẫn này, theo Mác và Ăngghen ngày càng gay gắt trong lòng chủ nghĩa tư bản mà bản thân nó không thể giải quyết một cách triệt để.

Kinh tế chính trị Mác - Lênin đã luận giải làm rõ: Xét về mặt kinh tế  thì chỉ có thể giải quyết triệt để mâu thuẫn này khi có cuộc cách mạng làm thay đổi quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu tư nhân bằng quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Về mặt xã hội, lực lượng có sứ mệnh thực hiện quá trình cách mạng đó là giai cấp công nhân - con đẻ của nền đại công nghiệp, bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nề, có lợi ích cơ bản đối kháng với giai cấp tư sản, đại diện cho lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất tiến bộ của thời đại mới.

Trên cơ sở đó, Mác và Ăngghen chỉ rõ “hai tất yếu” trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đó là: chủ nghĩa xã hội tất yếu sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản và “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. Các ông khẳng định, chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản càng phát triển, càng tạo ra những lực lượng, những “vũ khí” phủ định nó; loài người sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu và sứ mệnh này thuộc về giai cấp tiên tiến nhất - giai cấp công nhân.

Với phát kiến thứ hai - học thuyết giá trị thặng dư, bản chất bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp tư sản đã được bóc trần và địa vị thực sự của giai cấp công nhân đã được luận giải một cách khoa học. V.I.Lênin khẳng định: “Chỉ có học thuyết kinh tế của Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp công nhân trong toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa”.

Với phát kiến thứ ba - sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời là thành quả lý luận nhất quán về logic với Triết học, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, vừa bổ sung, vừa hoàn chỉnh và làm sâu sắc và cân đối học thuyết Mác- Lênin.

Dựa trên phương pháp triết học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử; đồng thời dựa trên những cơ sở lý luận khoa học về các quy luật kinh tế, quan hệ kinh tế… chủ nghĩa xã hội khoa học không những chỉ nhằm nhận thức thế giới một cách đúng đắn mà còn trực tiếp đề cập đến nhiều các vấn đề trong quá trình cải tạo thế giới theo những quy luật khách quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là khoa học về những quy luật và tính quy luật chính trị - xã hội của quá trình chuyển biến từ xã hội tư bản chủ nghĩa lên xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội, được xem là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin; là hệ thống lý luận chính trị- xã hội của chủ nghĩa Mác- Lênin, trực tiếp làm rõ mục tiêu cuối cùng và con đường giải phóng xã hội, giải phóng con người, đồng thời luận giải một cách khoa học về lực lượng chủ đạo của quá trình đó là giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử của mình là xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Mối quan hệ logic, biện chứng giữa ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác - Lênin có thể khái quát như sau: Nếu triết học và kinh tế chính trị luận chứng tính tất yếu, những nguyên nhân sâu xa, khách quan về sự ra đời của chủ nghĩa xã hội, thì việc chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội phải được thực hiện như thế nào, đặc biệt là do giai cấp nào đảm nhiệm vai trò chủ đạo - trực tiếp giải quyết vấn đề đó… là nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội khoa học. Do vậy, chủ nghĩa xã hội khoa học được hiểu theo nghĩa hẹp là hệ thống lý luận chính trị - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đánh giá vai trò quan trọng của chủ nghĩa xã hội khoa học, V.I.Lênin chỉ rõ: “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”.

Cũng như các bộ phận khác của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học là sự thống nhất giữa khoa học và cách mạng. Song ở chủ nghĩa xã hội khoa học, sự thống nhất ấy đòi hỏi phải được thực hiện trong thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân. Do đó, chủ nghĩa xã hội khoa học càng đòi hỏi sự thống nhất chặt chẽ giữa khoa học và cách mạng, giữa lý luận và thực tiễn, giữa tính khoa học và tính giai cấp. Mặt khác, để nhận biết đầy đủ giá trị và những giá trị bền vững của chủ nghĩa xã hội khoa học, chúng ta cần phải nghiên cứu nó một cách tổng hợp trên cả bình diện rộng và hẹp của chủ nghĩa xã hội khoa học trong toàn bộ di sản lý luận kinh điển mácxít.

1 nhận xét: