Mới đây, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh
Quảng Ninh tổ chức “lễ chia tay” trước khi về hưu một cách phô trương, xa hoa
khiến dư luận không khỏi bức xúc.
“Bản án” kỷ luật cảnh cáo về Đảng và về hành chính đối với chủ
nhân bữa tiệc phần nào đã làm an lòng dân với niềm tin vào sự nghiêm minh của
Đảng, chính quyền. Nhưng quần chúng vẫn còn đó những trăn trở, day dứt về thực
trạng một số cán bộ, đảng viên sống xa hoa, lãng phí-nguồn gốc và cũng là biểu
hiện của tham nhũng, tiêu cực.
Trước đây, từng có nhiều bài học liên quan đến việc cán bộ, đảng
viên tổ chức tiệc tùng rình rang, linh đình, với sự góp mặt của nhiều “xe biển
xanh”, bị nhân dân lên án về thói xa hoa, lãng phí. Trong quá trình đấu tranh
chống tham nhũng, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp nhận hối lộ
không chỉ bằng tiền, vàng, đô-la mà còn thông qua tiêu xài hoang phí, như vụ
một cán bộ cấp cao từng “bảo kê” cho sòng bạc được phục vụ ăn nhậu với tổng số
tiền cả chục tỷ đồng. Lối sống xa hoa của một số cán bộ còn được thể hiện bằng
cách khoe khoang dinh thự lộng lẫy, những buổi yến tiệc cao lương mỹ vị...
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng đã xác định,
phải khắc phục ngay tình trạng ăn uống, liên hoan, gặp mặt không lành mạnh.
Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW ngày 29-11-2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực
hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, nêu cụ thể: Đảng viên
không được “Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia
đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, chuyển công
tác...) một cách phô trương, hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong
xã hội” và đó cũng là một trong các hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo
phòng, chống mà Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1-8-2022 của Ban chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ rõ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng lãng phí là một
căn bệnh, tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và nhân dân, sự lãng phí gây ra rất
nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài. Người nhấn mạnh: “Có tiết kiệm,
không hoang phí, xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí,
xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả
dối”.
Vụ việc liên quan đến nguyên Giám đốc CDC tỉnh Quảng Ninh và
những trường hợp bị xử lý kỷ luật về lối sống xa hoa, lãng phí, vi phạm nghiêm
trọng quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những điều
đảng viên không được làm, là bài học cảnh tỉnh chung cho cán bộ, đảng
viên-những người mang trọng trách làm gương cho quần chúng nhân dân về lời nói,
hành động và giữ gìn thanh danh của Đảng.
Để không phát sinh những vụ việc tương tự, các cấp ủy, tổ chức
đảng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; đưa việc thực hành nêu gương trở
thành ý thức tự giác, việc làm hằng ngày của cán bộ, đảng viên. Cùng với xử lý
nghiêm những trường hợp vi phạm để đủ sức răn đe, các cấp ủy, tổ chức đảng theo
thẩm quyền, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, đảng
viên, kịp thời ngăn chặn những hành vi có biểu hiện của thói phô trương, xa
hoa, lãng phí.
Xét cho cùng, để chặn từ gốc xa hoa, lãng phí thì ý thức của bản
thân cán bộ, đảng viên đóng vai trò quyết định. Mỗi đảng viên cần nhận thức sâu
sắc vai trò là những người đại diện của Đảng, được quần chúng tin tưởng lựa
chọn đứng trong hàng ngũ của Đảng để không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống từ
những hành động cụ thể. Việc sống giản dị, hòa đồng chính là cách mỗi đảng viên
thể hiện vai trò làm gương và trách nhiệm đạo đức của mình trước dân, trước
Đảng.
ĐÀO HỒNG
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa