Cùng với những thuận lợi, thời kỳ
quá độ lên CNXH ở Việt Nam hiện nay cũng đang
đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Đảng ta đánh giá: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và
khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức
tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trước hết, nước ta quá độ đi lên CNXH có xuất
phát điểm thấp, từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, một xã hội nông nghiệp lạc
hậu, chưa trải qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa nên hầu như chưa có những tiền đề
cơ bản cho sự ra đời của CNXH; tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn,
thiếu thốn, lực lượng sản xuất rất thấp; có không ít tàn dư của chế độ thực
dân, phong kiến để lại. Thêm vào đó, mấy chục năm kháng chiến chống Pháp, chống
Mỹ và chiến tranh biên giới đã để lại hậu quả nặng nề cho đất nước, còn ảnh hưởng
lâu dài về sau.
Nước ta vẫn đang đối mặt với
những nguy cơ, thách thức: “Bốn
nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu,
rơi vào bẫy “thu nhập trung bình” còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm
phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hoá, bảo đảm phúc lợi
xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường;
chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi
thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt một số kết
quả tích cực nhưng còn những vấn đề đặt ra. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tham
nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội
còn diễn biến phức tạp”. Điều đó đã làm
giảm sút niềm tin của một bộ phận nhân
dân vào Đảng và Nhà nước và chính
quyền các cấp. Chúng ta tiếp tục phải chủ động phòng, chống những biểu hiện xa rời mục tiêu CNXH, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” có thể làm chệch hướng XHCN. Cùng với đó, các thế lực thù địch, phản động đã
và đang chống phá cách mạng nước ta cả về nhiều mặt hòng làm suy yếu sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý Nhà nước. Chúng tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, “tự
trị” ở các vùng dân tộc thiểu số nhằm
phá vỡ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ nước ta., chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng
ta chỉ rõ: “Các
thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo
vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà
bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời
là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”.
Trong thời kỷ đổi mới, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng
nhưng: “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng
trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng
hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”. Sức cạnh tranh của nền kinh tế không cao, độ mở
ngày càng lớn và đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nguy cơ tụt
hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn đặt
ra. Cho nên, nước ta cần tranh thủ xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, tiếp tục chủ
động hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng các yếu tố tích cực về vốn, công nghệ,
xuất khẩu để phát triển kinh tế; gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo công bằng
xã hội.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, một số vấn đề bức xúc nảy sinh trong
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm được giải quyết. Tình trạng
suy thoái đạo đức xã hội với nhiều tệ nạn diễn biến phức tạp như: nghiện hút chất
ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, lối sống thực dụng, đề cao đồng tiền...
Bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị phai nhạt. Tỷ lệ đói nghèo ở vùng dân tộc
thiểu số còn cao. Thực trạng giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ còn nhiều
bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là những
trở ngại để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó là: “Xu
hướng già hoá dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng mạnh; đặc
biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... ngày càng tác
động mạnh đến sự phát triển của đất nước”.
Trên trường quốc tế, thế giới
đang trải qua những biến động lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự
báo, đặt ra nhiều thách thức đối với sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Phong trào Cộng sản và công
nhân quốc tế mới bước đầu phục hồi. Những nước đi theo con đường XHCN, phong
trào Cộng sản và cánh tả còn gặp nhiều khó khăn, bị các thế lực thù địch tiếp tục
chống phá. Cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc vẫn diễn biến phức tạp.
Các nước đang phát triển, chậm phát triển phải tiến hành cuộc đấu tranh khó
khăn, phức tạp chống nghèo nàn, lạc hậu, chống mọi sự can thiệp chính trị cường
quyền, áp đặt và xâm lược từ bên ngoài để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
Những biến động phức tạp của tình hình thế giới, những khó khăn trong quá trình
xây dựng CNXH nước ta, đã tác động đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ,
đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng CNXH. Một số cán bộ, đảng
viên và nhân dân có tâm trạng hoài nghi, hoang mang, dao động.
Các mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn biểu hiện dưới những hình thức
và mức độ khác nhau. Hoà bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn nhưng tình
hình thế giới có những diễn biến mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những
căng thẳng, xung đột dân tộc, tôn giáo, ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp
lãnh thổ, biển đảo, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn gia tăng. Chủ nghĩa tư bản
đã có những điều chỉnh, thích nghi và còn tiềm năng phát triển, nhưng những mâu
thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa
ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư bản tư nhân ngày
càng trở nên sâu sắc. Suy thoái kinh tế, khủng hoảng chính trị - xã hội tiếp tục
xảy ra ở nhiều nơi. Trật tự thế giới đa cực ngày càng rõ hơn. Nhiều nước lớn thực
thi chính trị cường quyền, đã và đang chi phối các quan hệ quốc tế. Toàn cầu
hóa, hội nhập và cách mạng khoa học công nghệ mở ra cơ hội phát triển cho các
nước nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trên tất cả các lĩnh vực giữa các
nước. Sự cạnh tranh về kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên,
năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao...
giữa các nước ngày càng mạnh mẽ. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có
Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động và gia tăng vị thế kinh tế trên thế giới
nhưng tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định, như tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài
nguyên... ngày càng phức tạp.
Mặt khác, thế giới đang đứng trước những vấn đề toàn cầu và an ninh
phi truyền thống phức tạp, liên quan đến vận mệnh loài người và tất cả các quốc
gia. Đó là các vấn đề: giữ gìn hòa bình, xóa bỏ chiến tranh và bạo lực, khủng
hoảng nhân đạo, khủng bố, đói nghèo, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu toàn
cầu, sự bùng nổ dân số, dịch bệnh hiểm nghèo, an ninh lương thực v.v. Vì thế,
đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải có sự hợp tác và trách nhiệm của
tất cả các quốc gia, dân tộc trong giải quyết những vấn đề toàn cầu. Có điều,
chế độ chính trị và lợi ích của mỗi nước khác nhau đã chi phối đến việc giải
quyết tình hình vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Như vậy, nước ta đang quá độ đi lên CNXH với nhiều thời cơ, thuận lợi lớn đan xen với không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, chúng ta cần có nhận thức đúng đắn, kiên định con đường đi lên CNXH, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đi lên CNXH; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH./.
phải vượt qua thách thức này
Trả lờiXóa