Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

NGUỒN GỐC XUẤT THÂN VÀ QUÁ TRÌNH RA ĐỜI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN

Ngay từ cuối những năm 30 và đầu những năm 40 thế kỷ XIX, khi chuyển từ lập trường dân chủ tư sản sang lập trường cộng sản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăng ghen đã tập trung nghiên cứu sự ra đời và hiện trạng của cộng đồng người lao động mới trong nền công nghiệp của xã hội TBCN. Các ông đã sử dụng rất nhiều thuật ngữ để nói về GCCN như “giai cấp công nhân”, “Giai cấp vô sản”, “lao động công xưởng”, “đẳng cấp lao động trực tiếp”, “những công nhân cộng sản chủ nghĩa”, “lao động làm thuê ở thế kỷ XIX”,… Về sau này, khi kế thừa, vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển những vấn đề trong học thuyết SMLS của GCCN, V.I.Lênin cũng chủ yếu dùng các thuật ngữ “giai cấp công nhân”, “Giai cấp vô sản”.

Khi nghiên cứu sự ra đời của GCCN, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tập trung nghiên cứu hai góc độ chủ yếu là: nguồn gốc xuất thân và quá trình ra đời (môi trường và điều kiện ra đời).

C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra nguồn gốc xuất thân của GCCN là từ tất cả các bộ phận trong dân cư. Sản xuất TBCN càng phát triển, đại công nghiệp thay thế sản xuất nhỏ và công trường thủ công thì hàng loạt những tiểu chủ, thợ thủ công, những người buôn bán nhỏ, nông dân, sinh viên, trí thức và kể cả các nhà tư bản bị phá sản và rơi vào hàng ngũ của giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra nhận định khoa học hết sức cô đọng, khái quát và chính xác rằng các giai cấp khác thì suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản thì trái lại, lớn lên và trưởng thành cùng với quá trình ấy.

Đặc biệt là, các ông đã nhấn mạnh đến xu hướng gia tăng việc bổ sung cho GCVS từ sinh viên và giới trí thức. Khi quan sát và nghiên cứu sự tác động của đại công nghiệp, của cách mạng khoa học kỹ thuật, đến cơ cấu của GCCN, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thấy được xu hướng vận động chủ yếu của cơ cấu GCCN là sự ra đời và phát triển của bộ phận “giai cấp vô sản trí thức” trong GCVS. Trong bức thư “Gửi Đại hội Quốc tế sinh viên xã hội chủ nghĩa” Ph.Ăngghen đã viết: “Các bạn hãy cố gắng làm cho sinh viên hiểu được rằng, giai cấp vô sản trí thức phải được hình thành từ hàng ngũ các sinh viên, bên cạnh và trong hàng ngũ những người bạn của nó - các công nhân thủ công nghiệp - giai cấp ấy có sứ mệnh phải đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng sắp tới”. Ở đây, Ph.Ăngghen đã gắn liền “giai cấp vô sản trí thức” với “sinh viên” và coi sinh viên là nguồn chủ yếu bổ sung cho “giai cấp vô sản trí thức”.

Khi luận chứng về quá trình ra đời và phát triển của GCVS, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra rằng: GCVS ra đời là quá trình lâu dài, từ tầng lớp vô sản đầu tiên đến vô sản công trường thủ công và GCVS hiện đại. Cuối cùng, cuộc cách mạng công nghiệp ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX tạo ra bước phát triển nhảy vọt trong đời sống kinh tế, chính trị- xã hội. Nó đánh dấu bước chuyển căn bản của CNTB sang giai đoạn đại công xưởng và GCVS hiện đại ra đời. Từ đó, các ông kết luận: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”.

Ngày nay, thành phần chủ yếu của GCCN có nhiều biến đổi nhưng vẫn theo xu hướng như C.Mác, Ph.Ăngghen đã dự báo: từng bước hình thành và phát triển bộ phận “công nhân tri thức” do quá trình “trí thức hóa công nhân”. Thực tiễn quá trình ra đời và phát triển của GCCN hiện nay đã và đang chứng minh rằng những khái quát từ thực tế của chủ nghĩa Mác trước đây về nguồn gốc ra đời và quá trình phát triển của GCCN là rất khoa học, đáng tin cậy và vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại hiện nay. Đó chính là cơ sở phương pháp luận, cơ sở lý luận cho việc bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phản động của các nhà tư tưởng tư sản khi họ cho rằng, GCVS ngày càng giảm đi. Mục đích của họ chính là che đậy hành vi bóc lột của GCTS và phủ định SMLS thế giới của GCCN.

1 nhận xét: