Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐÃ VÀ ĐANG ĐỔI MỚI, CẢI CÁCH THÀNH CÔNG, TIẾP TỤC VỮNG BƯỚC ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Ở Trung Quốc, sau hơn 40 năm cải cách mở cửa (1979- 2018) đã thu được những kỳ tích. Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 33,5 lần, ước khoảng 12.300 tỷ USD, chiếm 15% GDP toàn cầu, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Giai đoạn 1978 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 9,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình hằng năm của nền kinh tế thế giới là 2,9%. Trong giai đoạn 2012 - 2016, hằng năm, kinh tế Trung Quốc đóng góp 34% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Năm 1978, GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc mới chỉ ở mức 156 USD, là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng đến năm 2017, GDP bình quân đầu người đã đạt 8.800 USD, được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Số người nghèo ở Trung Quốc giảm từ 770 triệu người năm 1978 xuống còn 30,46 triệu người năm 2017, tức tỷ lệ người nghèo giảm từ 97,5% năm 1978 xuống mức 3,1% năm 2017. Trong tương lai không xa, có thể dự đoán các chỉ số GDP, PPP theo GDP của nước này sẽ vượt Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Trung Quốc hiện có 317 tỷ phú và hiện đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về chỉ số này.

Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới, đã thu được những thành tựu to lớn, toàn diện: Nền kinh tế phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP năm 2020 đạt 342,7 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Cải cách kinh tế ở Lào, kết quả bước đầu của chính sách “cập nhật hoá mô hình kinh tế” ở Cuba,… cũng  đã đưa các nước này vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, tạo được những bước đột phá phát triển, là những bằng chứng rõ ràng về sự phục hồi của CNXH, góp phần thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. “… tương lai của chủ nghĩa xã hội phụ thuộc ở mức độ quyết định vào những cuộc cải cách của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam”. Đồng thời, sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào cánh tả ở nhiều nước Mỹ Latinh trong những thập niên qua là bằng chứng sống động về tính khoa học, cách mạng của sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Thực tế, các thế lực thù địch càng điên cuồng tiến công hòng phủ nhận, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, thì càng chứng tỏ giá trị và sức sống của học thuyết Mác - Lênin. Quy luật tồn tại, phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi, trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình phải thường xuyên đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng phản khoa học, phản động đó. Thay cho lời kết xin trích khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”. Và khẳng định của Đảng ta: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”./.

1 nhận xét: