Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

TIẾP TỤC BẢO VỆ, BỔ SUNG VÀ PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC Ở CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY

Chủ nghĩa xã hội khoa học là lý luận trực tiếp cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức có sức sống trường tồn luôn được bổ sung bởi thực tiễn cách mạng thế giới, nhất là thực tiễn - phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Với lý luận khoa học và cách mạng do bản chất nội tại của nó, với những bước tiến thăng trầm của lịch sử, dù tiếp cận chủ nghĩa xã hội là một học thuyết, chủ nghĩa xã hội là một phong trào hay chủ nghĩa xã hội là một chế độ thì nó thống nhất với nhau, gắn bó mật thiết với nhau. Thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân được biểu hiện ở những mức độ khác nhau, nhưng về căn bản hiện nay, quan hệ giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản về địa vị kinh tế - xã hội là không thay đổi. Điều đó, chứng minh giai cấp công nhân có sứ mệnh thủ tiêu giai cấp tư sản, thiết lập một xã hội mới xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Từ bản chất nội tại và sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học, vấn đề tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là nguyên tắc sống còn đối với những người xã hội chủ nghĩa, đúng như V.I.Lênin đã căn dặn chúng ta rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”.

Thực tiễn biến đổi thì chủ nghĩa xã hội khoa học cần phải không ngừng được bổ sung, phát triển, gắn liền với đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vì, “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt”, thừa cơ, “giậu đổ bìm leo” “…các nhà tư tưởng và lý luận chống cộng và xã hội - dân chủ cũ và mới cả những kẻ hôm qua đã từng là cộng sản hôm nay đang “sám hối” về sự “khờ dại” của mình, ra sức bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, bêu xấu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, hết lời ca ngợi chủ nghĩa tư bản. Trong con mắt của họ, thế kỷ XXI là thế kỷ toàn thắng và phồn vinh của chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới”, trực tiếp những luận điểm tập trung chống phá là chúng phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội.

Bảo vệ, bổ sung và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học hiện nay cần gắn liền với phòng chống về suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân. Mỗi cán bộ đảng viên cần thật sự có niềm tin khoa học vào chủ nghĩa xã hội khoa học, niềm tin vào phong trào cách mạng và tiềm năng hiện thực của nó. Đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, nắm vững lý luận, thường xuyên cập nhật bổ sung những nội dung mới làm phong phú, sâu sắc thêm lý luận phấn đấu “Từ nay đến năm 2030, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao năng lực khoa học phục vụ phát triển công tác lý luận, bảo đảm cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm chủ nghĩa xã hội khoa học - bộ phận cấu thành lôgic, biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin./.

1 nhận xét: