Chế độ dân
chủ là một giá trị xã hội được hình thành từ khi xuất hiện giai cấp và nhà nước.
Chế độ dân chủ sở dĩ được xem là một giá trị xã hội vì ở đó nhà nước ra đời với
sự thừa nhận của một bộ phận dân cư dưới một hình thức nào đó. Mở đầu của chế độ
dân chủ là chế độ nô lệ. Trong chế độ nô lệ chỉ có người dân tự do và giới chủ
nô mới có quyền tham gia vào việc định ra bộ máy cầm quyền, còn người nô lệ chỉ
như các "công cụ lao động biết nói".
Trải qua nhiều
hình thái kinh tế, xã hội, chế độ dân chủ đã có những bước phát triển nhất định,
quyền của người dân được mở rộng dần. Các cuộc cách mạng dân chủ tư sản tuyên bố
quyền bình đẳng đối với tất cả mọi người. Nền dân chủ ở các quốc gia tư bản chủ
nghĩa (TBCN) là một bước tiến lớn của lịch sử nhân loại. Hiến pháp của các nhà
nước TBCN tuyên bố tôn trọng, bảo đảm các quyền về tinh thần và vật chất của tất
cả mọi người, nói cách khác là bảo vệ các QCN. Hai bản tuyên ngôn: Tuyên
ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của
Pháp năm 1789, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích lại trong bản Tuyên ngôn Độc
lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 là dấu mốc quan trọng
thể hiện chế độ dân chủ và QCN trong xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Tuy nhiên,
xem xét trong nội bộ mỗi quốc gia, chế độ dân chủ và quyền con người (QCN) ở các nước TBCN vẫn hạn
hẹp do tình trạng bất bình đẳng về chế độ sở hữu, về sự phân hóa giàu-nghèo và
về sự kỳ thị chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo... Thực tế cho thấy, hiện
nay, các cuộc bầu cử ở nhiều nước phát triển, số cử tri đi bầu cử thường thấp.
Cuộc bầu cử gần đây nhất của Hoa Kỳ (2016) chỉ “ở mức dưới 70%. Số cử tri tham
gia bầu vào những năm 1980 còn thấp hơn, dao động từ 48% đến 57%”.
Mặt khác, sự
phân biệt chủng tộc đang tác động đến nhiều mặt của cuộc sống. Hoa Kỳ có mức
thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều quốc gia nhưng vẫn còn không ít người
nghèo (theo tiêu chuẩn quốc gia). Điều đáng nói là sự phân hóa giàu-nghèo lại gắn
với tình trạng phân biệt chủng tộc. Theo một thống kê (vào năm 2014), “tỷ lệ
người nghèo của dân da đen là 26%, so với dân gốc người Tây Ban Nha (Hispanics)
là 24%, dân Á châu 12% và dân da trắng là 10%”.
Xem xét trên
phạm vi thế giới thì chủ nghĩa tư bản (CNTB), bao gồm cả sản phẩm của chế độ đó
là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc đã đi ngược lại các giá trị dân chủ
và QCN. Các quốc gia thuộc địa (của CNTB) là những chế độ áp bức, bóc lột, độc
tài hà khắc. Bởi vì đó là sự câu kết giữa các quan cai trị thực dân với quan lại
phong kiến. Sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam hơn 80 năm (từ năm
1858 đến 1945) là một ví dụ.
Dân tộc Việt
Nam không bao giờ quên được nạn đói khủng khiếp xảy ra vào năm 1945. Chính sách
vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên
tai, mất mùa ở nhiều tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm
cảnh trên. "Nạn đói đã diễn ra ở 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị
trở ra. Nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông,
có nhiều ruộng, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Nhiều làng xã chết
50% đến 80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai…".
Ở Việt Nam,
đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản
Việt Nam đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945,
giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Lần đầu tiên chế độ dân chủ với các
quyền công dân và QCN không những được tuyên bố mà còn được bảo đảm về mặt pháp
luật, cũng như trong cuộc sống. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và bản
Hiến pháp 1946 đã ghi nhận điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét