Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC THẮNG LỢI CỦA CHIẾN DỊCH TỔNG TẤN CÔNG MÙA XUÂN 1972

Chiến dịch Tổng tấn công mùa Xuân 1972 với Chiến dịch Trị Thiên Huế, trận Thành cổ Quảng Trị và sự kết thúc thắng lợi với Hiệp định Paris.
Cũng với phương cách tương tự, một nhúm người tự phong mình là “sử gia” của chế độ ngụy Sài Gòn sau khi di tản sang Mỹ đã viết về trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị với những sự cắt xén, xuyên tạc đến trơ tráo. Chúng không hề nhắc đến chuyện cả một trung đoàn 56 (thuộc Sư đoàn 3) quân ngụy Sài Gòn do các trung tá Phạm Văn Đính và Vĩnh Phong chỉ huy đã đầu hàng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và đến ngày 2-5-1972 thì Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, đẩy quân ngụy Sài Gòn về phía Nam sông Mỹ Chánh.
Trong những ngày mùa hè bỏng cháy năm 1972, chỉ có không quân và hải quân Mỹ mới có thể cứu được Quân đoàn 1 (Quân khu I) ngụy Sài Gòn tránh khỏi sự sụp đổ hoàn toàn. Các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia tại Mặt trân B5 (Trị Thiên Huế) đã tổn thất khá nhiều về người, vũ khí, trang bị mà phần lớn những tổn thất đó là do không quân Mỹ (bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược B-52) và các chiến hạm của Mỹ đậu gần bờ biển pháo kích vào.
Ngày 28-6-1972, sau khi được tăng viện Sư đoàn Thủy quân lục chiến và Sư đoàn Dù từ Quân đoàn 3 ra, quân ngụy Sài Gòn bắt đầu cuộc phản công mang mật danh “Lam Sơn 72” do tên tướng ba sao Ngô Quang Trưởng chỉ huy. Mặc dù nắm trong tay binh lực của các sư đoàn 1, 3 (thiếu), Dù, Thủy quân lục chiến và 5 liên đoàn biệt động quân (mỗi liên đoàn tương đương một lữ đoàn) để đối phó với 3 sư đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổn thất trong 3 giai đoạn “Bão táp” của Chiến dịch Trị Thiên Huế nhưng phải đến ngày 16-9-1972, quân ngụy Sài Gòn mới có thể chiếm lại được Thành cổ Quảng Trị và chịu dừng bước ở bờ Nam các con sông Thạch Hãn và Vĩnh Định. Quân đội Nhân dân Việt Nam giữ vững thị xã Đông Hà và 3 huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị, (không kể huyện Vĩnh Linh nằm phía Bắc sông Bến Hải).
Cũng trong mùa Xuân năm 1972, các đòn tấn công chiến lược tiếp theo của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Mặt trận B2 (Đông Nam Bộ), Mặt trận B3 (Bắc Tây Nguyên) và các mặt trận phối hợp tại Liên khu V và Khu 8 đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân đội ngụy Sài Gòn. Tại Đông Nam Bộ, mặc dù không chiếm được thị xã Bình Long (An Lộc) nhưng ba sư đoàn 5, 7, 9 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải phóng một vùng đất rộng lớn từ Bắc Tây Ninh qua Bắc Bình Long đến Bắc Phước Long. Tại Bắc Tây Nguyên, dù chưa chiếm được thị xã Kon Tum nhưng các sư đoàn 2, 320A và 4 trung đoàn bộ binh của mặt trận B3 với quân số ít hơn đã đánh bại 3 sư đoàn quân ngụy Sài Gòn có hơn 10.000 phi vụ B-52 yểm hộ; giải phóng địa bàn các huyện Đắc Tô, Tân Cảnh, sau này trở thành bàn đạp quan trọng cho Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.
Tính chung trong toàn bộ chiến cục tấn công chiến lược năm 1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 213.000 tên địch, trong đó có 4.408 lính Mỹ, bắt tù binh 13.200 lính ngụy Sài Gòn.
Chuỗi chiến dịch tấn công chiến lược năm 1972 đã đạt kết quả to lớn chưa từng có. Đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đàng hoàng ra mắt tại vùng giải phóng Đông Hà. Đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris 1973, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt mọi hành động can thiệp quân sự vào Đông Dương cũng như có trách nhiệm tài thiết Việt Nam sau chiến tranh.
Nhưng chiến cục với kết quả to lớn ấy lại không hề được những kẻ “lật sử” nhắc đến. Chúng xoáy vào trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị và tách nó ra khỏi toàn bộ Chiến cục năm 1972. Và chúng cũng làm như vậy đối với các trận đánh tại An Lộc và Kontum. Hành động có chủ đích đó một mặt nhằm “lên giây cót” cho những “con rối” tàn dư, hậu duệ của chế độ ngụy Sài Gòn đang lưu vong ở nước ngoài, mặt khác, đánh vào tâm lý đau xót do mất mát trong chiến tranh. Và cuối cùng, những kẻ “lật sử” đó tiếp tục dựa vào sự cắt xén lịch sử ấy để tung ra những luận điệu sai trái, biến cuộc Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân Việt Nam thành một cuộc nội chiến. Qua đó, núp dưới chiêu bài hòa hợp dân tộc để đổi trắng thay đen, phải trái, biến chiến tranh chính nghĩa thành chiến tranh phi nghĩa và ngược lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét