Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA CHIẾN LƯỢC QUỐC PHÒNG VIỆT NAM

Như đã biết, từ nhiều năm nay, trong giới nghiên cứu về quốc phòng vẫn tồn tại câu hỏi: chúng ta đã có Chiến lược Quốc phòng chưa, nếu có thì ban hành vào thời gian nào? Đây là câu hỏi nhiều người đặt ra và câu trả lời cũng chưa thống nhất. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, từ trước đến nay chúng ta chưa có và chưa hề công bố bất cứ một chiến lược quốc phòng nào. Ý kiến đó không sai, nhưng chưa trúng và chưa thật đầy đủ, cặn kẽ đối với Chiến lược này nói riêng, lĩnh vực quốc phòng nói chung. Thật ra, đã từ lâu, tuy chưa thành văn bản chính thức, nhưng nội hàm của Chiến lược Quốc phòng đã được thể hiện một cách tập trung trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương,… về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và được cụ thể hóa thành các phương hướng, kế hoạch chiến lược của quốc gia. Chính nhờ đó, Đảng, Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đất nước giành những thắng lợi to lớn trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, kể cả trong cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, việc quán triệt, thực hiện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới phải toàn diện trên tất cả các mặt và đảm bảo tính lịch sử, khách quan và khoa học. Đặc biệt, phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng cùng những nội dung cơ bản của Chiến lược; thấu suốt quan điểm quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh của toàn dân tộc, có sự kế thừa, phát triển truyền thống dân tộc, những bài học kinh nghiệm quý của các cuộc kháng chiến vừa qua và tinh hoa quốc phòng, quân sự thế giới.
Để hiểu hơn về Chiến lược này, trước hết, cần nắm vững Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia bằng sức mạnh tổng hợp, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Trên cơ sở đó, thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường quốc phòng một cách thường xuyên, chu đáo, đồng bộ từ thời bình, nhằm thực hiện mục tiêu giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, mục tiêu quan trọng hàng đầu là ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược (nếu xảy ra), bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; tham gia bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, cần nhận thức sâu sắc về đặc điểm, tính chất của quốc phòng Việt Nam mang tính toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, v.v. Vì thế, cùng với nhận thức đúng về vai trò, vị trí Chiến lược Quốc phòng trong hệ thống các chiến lược quốc gia, cần đặt nó trong mối quan hệ hữu cơ đối với các chiến lược chuyên ngành khác và xác định đó là nội dung cơ bản, cốt lõi của chiến lược bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở quán triệt đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét