Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

KHÔNG THỂ CÓ MỘT NỀN DÂN CHỦ HÒA TAN Ở VIỆT NAM

Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại nhiều mô hình về chế độ dân chủ với những tên gọi khác nhau, như: Cộng hòa dân chủ nhân dân; chế độ cộng hòa; chế độ cộng hòa nhân dân. Ngoài một số ít quốc gia vẫn theo chế độ quân chủ, các nhà nước có chế độ nghị viện; cộng hòa đại nghị... đều là những chế độ dân chủ TBCN. Trong những nước dân chủ này lại có nhiều mô hình dân chủ khác nhau; chẳng hạn: Chế độ dân chủ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; chế độ dân chủ một đảng cầm quyền…
Tương tự như chế độ dân chủ, quyền con người (QCN) ở các quốc gia cũng không giống nhau, cho dù những quy định pháp luật ở đó đều mang những giá trị phổ biến. Trong tính hiện thực của nó, QCN là các quy định của pháp luật (quốc gia) nhằm tôn trọng, bảo vệ những nhu cầu, lợi ích về vật chất và tinh thần của tất cả mọi người không phân biệt già-trẻ, gái-trai, dân tộc, quốc tịch, vị thế chính trị, tài sản và những vị thế khác…
Trong mỗi chế độ xã hội nói chung, chế độ dân chủ nói riêng, đều có những quy định về quyền công dân và QCN khác nhau. Điều này bắt nguồn từ sự khác biệt về truyền thống lịch sử, bản chất chính trị và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Ví dụ, ở nhiều quốc gia phương Tây, quyền tự do ngôn luận không loại trừ việc xúc phạm niềm tin tôn giáo. Chẳng hạn, vụ xả súng ngày 7-1-2015 tại tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) khiến 12 người thiệt mạng. Thủ phạm là những người theo đạo Hồi. Họ phẫn nộ vì tạp chí này đăng tải bức biếm họa xúc phạm thánh A-la. Hoặc ở Hoa Kỳ thì người dân có quyền sở hữu và sử dụng súng. Gần đây, người dân ở quốc gia này còn có cả “quyền” được sử dụng máy in 3D tự sản xuất súng (tại gia đình).
Như vậy có thể nói, trên thế giới hoàn toàn không có mô hình dân chủ, QCN “chuẩn” nào cả. Các chế độ dân chủ đều do các cơ quan lập pháp quốc gia quyết định. Thường thì những đảng chính trị chiếm đa số trong các cơ quan quyền lực chi phối các tiêu chí, cơ chế, chính sách, pháp luật của chế độ dân chủ và QCN ở đó. Ở Hoa Kỳ thì hai đảng-đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền. Ở Trung Quốc tuy có nhiều đảng chính trị nhưng các đảng đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bởi vậy, việc người ta lấy một mô hình chế độ dân chủ nào đó, chẳng hạn như mô hình dân chủ Hoa Kỳ với chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” và thể chế “tam quyền phân lập” làm “chuẩn” để phủ nhận chế độ dân chủ XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền là một cách nhìn hạn hẹp, nếu không nói là vì động cơ chính trị, muốn xóa bỏ chế độ hiện hữu và thành quả cách mạng hơn 70 năm của dân tộc Việt Nam.
Nền dân chủ XHCN của Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử, bản chất chính trị và từ những quy định về pháp lý. Thực tiễn cách mạng Việt Nam minh chứng: Chế độ dân chủ XHCN ở Việt Nam ra đời sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945-cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chế độ xã hội và nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đã phải chống chọi với các thế lực xâm lược hùng hậu trong các cuộc kháng chiến anh dũng bảo vệ Tổ quốc kéo dài hơn 30 năm (1945-1975) với không biết bao nhiêu hy sinh xương máu của đồng bào và chiến sĩ. Đó là thành quả đấu tranh của cả dân tộc, là nguyện vọng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét